Khoai lang là một loài cây nông nghiệp với các rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, được gọi là củ khoai lang và nó là một nguồn cung cấp rau ăn củ quan trọng, được sử dụng trong vai trò của cả rau lẫn lương thực. Các lá non và thân non cũng được sử dụng như một loại rau. Khoai lang có quan hệ họ hàng xa với khoai tây có nguồn gốc Nam Mỹ và quan hệ họ hàng rất xa với khoai mỡ là các loài có nguồn gốc từ châu Phi và châu Á. Ở Việt Nam khoai lang được xem như một loại thương thực chống đói những năm 80, và bây giờ loại thực phẩm này đã chuyển sang một tầng lớp mới là thực phẩm ăn chơi. Tuy vậy nhưng không hẳn ai cũng biết rõ về khoai lang, dưới đây là một vài công dụng tuyệt diệu của khoai lang.
Những nghiên cứu trên thú vật cho thấy có sự liên hệ giữa việc tiêu thụ khoai lang và tình trạng ổn định nồng độ đường huyết. Một trong những nguyên nhân là do khoai lang có chứa nhiều carotenoics. Nhiều nghiên cứu cho thấy carotenoids có chức năng điều hòa đường huyết. Khoai lang còn có khả năng làm giảm sự kháng insulin. Insulin rất cần thiết cho cơ thể để “mở khóa” tế bào, cho phép đường từ máu đi vào tế bào. Kháng insulin nghĩa là khi tế bào không đáp ứng với insulin, không cho phép đường huyết đi vào tế bào một cách tự nhiên để nuôi dưỡng tế bào.
Nguồn chất xơ phong phú có trong khoai lang cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì chất xơ có tác dụng làm giảm nồng độ đường huyết bằng cách làm giảm tốc độ của thực phẩm bị biến chuyển thành glucose để được hấp thu vào máu. Hơn nữa, do trong thành phần có nhiều phức carbohydrates nên khoai lang có thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Gốc tự do là những loại hóa chất có thể gây tổn hại cho tế bào cơ thể. Những nghiên cứu mới đã khám phá ra rằng có những loại protein trong khoai lang có khả năng chống ôxy hóa (antioxidant) rất cao.
Những protein này chứa khoảng 1/3 lượng chất chống ôxy hóa quan trọng nhất có trong cơ thể là glutathione.
Nhờ chứa một hàm lượng cao vitamin A và vitamin C, khoai lang có thể ngăn ngừa sự tổn thương tế bào, chống lại những gốc tự do trong cơ thể. Sự hình thành các gốc tự do được xem là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như xơ cứng mạch máu, tiểu đường, tim mạch, ung thư..
Khoai lang là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp ngăn ngừa cảm lạnh và virus cúm. Đồng thời, vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình hình thành các tế bào máu. Ngoài ra, vitamin C còn góp phần chữa lành vết thương, tạo ra collagen giữ cho làn da luôn tươi trẻ, giảm stress và bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố có nguy cơ gây ung thư cao.
Beta carotene là tiền chất của vitamin A trong cơ thể người. Vitamin A duy trì đôi mắt sáng và làn da khỏe mạnh.
Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao của loại củ này. Nhóm chất carotene giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa. Một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên của mình giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi.
Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.
Khoai lang cũng là sự lựa chọn số 1 cho những người muốn giảm béo. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Ăn khoai lang trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no bụng, vì thế sẽ giảm được lượng thức ăn hấp thụ trong bữa ăn chính.
Điều trị bệnh loét dạ dày
Khoai lang còn có khả năng làm dịu nhẹ và điều trị bệnh loét dạ dày vì nó chứa nhiều vitamin B, vitamin C, potassium, beta carotene và canxi. Chất xơ có trong khoai lang giúp phòng ngừa bệnh táo bón và kiểm soát nồng độ axít trong dạ dày nên cũng góp phần làm giảm các cơn đau và viêm loét dạ dày.
Cách đơn giản nhất là ăn khoai lang luộc. Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải (100 g/ngày) rất có lợi cho hệ tiêu hoá vì thành phần vitamin C và các acid amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hoá thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Ngoài ra, để chữa táo bón còn có thể uống nước khoai lang luộc (phải rửa sạch vỏ). Tuy nhiên, ăn quá nhiều khoai lang cũng sẽ gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Chống viêm nhiễm
Khoai lang có khả năng chống lại sự viêm nhiễm rất tốt vì nó chứa nhiều vitamin C, vitamin B6, beta carotene và mangan. Các nhà khoa học trên thế giới đã tìm ra tác dụng giảm viêm nhiễm trong mô não và mô thần kinh ở khắp cơ thể khi chúng ta ăn khoai lang thường xuyên.
Phòng ngừa bệnh viêm khớp
Chất beta cryptoxanthin dồi dào trong khoai lang có tác dụng phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm khớp, thấp khớp. Ngoài ra, beta cryptoxanthin còn giúp tăng cường độ chắc khỏe của xương, tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da. Các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy việc tiêu thụ nhiều chất beta cryptoxanthin giúp giảm 50 % tỷ lệ phát triển của bệnh viêm khớp. Thêm vào đó, vitamin C có trong khoai lang còn giúp duy trì collagen và giảm thiểu tỉ lệ phát triển của bệnh viêm khớp.
Thời điểm khoai lang tốt nhất
Bữa trưa là thời điểm lý tưởng để lựa chọn món khoai lang cho mình. Vì hàm lượng can-xi trong khoai lang sau khi vào cơ thể cần tới 4-5h mới được cơ thể hấp thụ hết. Mặt khác, ánh sáng mặt trời buổi chiều rất tốt cho sự thúc đẩy sự hấp thụ can-xi của cơ thể. Khi cơ thể hấp thụ hết lượng can-xi cần thiết cũng là lúc cảm thấy hào hứng với bữa tối.
Tuy nhiên, không nên ăn khoai lang cùng quả hồng vì lượng đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, từ đó làm tăng việc tiết axit dịch vị. Các men axit này kết hợp với chất tannin có trong quả hồng gây ra phản ứng tạo chất kết tủa, gây hại cho dạ dày. Lâu ngày có thể dẫn tới chảy máu hoặc viêm loét dạ dày.
Cho dù bạn là ai hay bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa đừng quên chăm chút móng tay của mình thật đẹp nhé