Mẹ và bé

Tip giúp mẹ bầu khỏe mạnh

Khám thai định kỳ, có chế độ ăn uống cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý là những điều rất quan trọng với mẹ bầu.
Tip giúp mẹ bầu khỏe mạnh

Làm thế nào để luôn khỏe mạnh và vui tươi trong thời kỳ mang thai là câu hỏi mà mẹ bầu nào cũng quan tâm. Hãy làm theo một vài hướng dẫn đơn giản dưới đây để mẹ có thể trải qua thời gian mang thai nhẹ nhàng nhất có thể nhé.

Khám thai định kỳ

Việc khám thai thường xuyên không chỉ giúp bác sĩ nắm vững thông tin sức khỏe của mẹ và bé để phát hiện sớm những bệnh tiềm ẩn hoặc các dấu hiệu bất thường cho cả mẹ và bé, đồng thời còn cung cấp các thông tin cần thiết cho mẹ trong quá trình dưỡng thai. Tốt nhất là mẹ nên theo 1 bác sĩ duy nhất để bác sĩ theo dõi được chính xác nhất tiến trình phát triển của thai nhi.

Chế độ ăn uống

Có lẽ mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng mẹ chỉ cần cung cấp thêm khoảng 300 calo mỗi ngày là đủ cho cả mẹ và bé. Hãy chắc chắn có đủ lượng protein trong khẩu phần ăn của mẹ - 70g thay vì 45g protein như trước khi mang thai. Một điều vô cùng quan trọng các mẹ cần nhớ đó là bổ sung đủ lượng canxi trong thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ bởi thừa canxi có thể gây hại cho mẹ và bé.

Ngoài ra, mẹ cũng không nên ăn trứng lòng đào và thịt tái, các loại cá có chứa thủy ngân, sản phẩm sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, hải sản sống... để tránh ăn phải vi khuẩn có hại.


Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. (ảnh minh họa)

 

Bổ sung vitamin

Việc bổ sung axit folic trước và trong thời kì đầu mang thai là vô cùng quan trọng. Axit folic làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Tốt nhất mẹ nên bắt đầu bổ sung khoảng 400µg axit folic một ngày, ít nhất trong vòng 1 tháng trước khi mang thai, 600µg một ngày trong thời gian mang thai và uống liên tục đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

Sắt cũng rất cần thiết cho cả mẹ và bé. Nhu cầu sắt của phụ nữ không mang thai là 15-16mg một ngày, tăng lên 20-30mg một ngày ở phụ nữ có thai và trong thời kỳ hậu sản.

Mẹ hãy nhớ một nguyên tắc là nhiều chưa chắc đã tốt, thậm chí có thể gây hại cho bé, vì vậy mẹ không nên uống quá liều lượng hoặc bổ sung thêm các chế phẩm thảo dược mà không được sự cho phép của bác sĩ.

 

 

Tập thể dục thường xuyên

Tập luyện khoa học giúp mẹ khỏe mạnh, ngăn ngừa hoặc làm giảm đau nhức, cải thiện quá trình lưu thông máu ở chân. Tập thể dục cũng sẽ giúp mẹ lấy lại dáng dễ dàng sau khi sinh. Hơn thế nữa, tập thể dục là một cách tuyệt vời để giảm bớt căng thằng, một số nghiên cứu cho thấy tập luyện có thể làm tăng lượng serotonin, đây là một chất được sản sinh ra trong não, giúp điều tiết chỉ số cảm xúc và có khả năng giữ cho cảm giác thăng bằng và thư giãn.

Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý không tập luyện quá sức và cung cấp đủ nước trước, trong và sau khi tập thể dục.

Nói “không” với rượu

Mẹ tuyệt đối không nên uống rượu khi mang thai. Rượu có thể ảnh hưởng đến bé thông qua đường máu hay nhau thai. Chỉ cần một ly nhỏ mỗi ngày đã có thể gây hại cho bé, tăng nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân, mắc bệnh tăng động cũng như mắc một số vấn đề về khả năng nói, tư duy, tập trung… Một số nghiên cứu đã cho thấy, nếu mẹ uống một ly rượu mỗi tuần khi mang thai, khả năng sinh ra trẻ có tính tình hung hăng, bất trị cao hơn nhiều so với mẹ bầu không uống rượu.

Nếu mẹ uống nhiều hơn hai ly một ngày, bé có nguy cơ cao mắc hội chứng FAS, hội chứng này có biểu hiện như cơ thể, trí tuệ chậm phát triển, các vấn đề về hành vi, khuyết tật ở tim và mặt. Uống rượu cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu. Vì vậy, các mẹ đừng nên uống rượu, mẹ có thể thay thế bằng loại thức uống không cồn. Nếu khó khăn trong việc cai rượu, mẹ hãy tìm đến bác sĩ để có được lời khuyên, hướng dẫn tốt nhất.


Rượu có thể ảnh hưởng đến bé thông qua đường máu hay nhau thai. (ảnh minh họa)

 

Tuyệt đối không dùng thuốc bất hợp pháp

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cần sa có thể hạn chế sự phát triển của bé và khiến bé có triệu chứng run rẩy, vật vã như thiếu thuốc.

Sử dụng cocaine là cực kỳ nguy hiển. Chất này hạn chế lưu lượng máu đến tử cung và làm tăng khả năng sẩy thai, nhau bong non hoặc sinh non; bé có thể chết non hoặc dị tật bẩm sinh cũng như các vấn đề về hành vi, phát triển.

Ngừng hút thuốc lá

Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ sẩy thai, nhau bong non, thai chết lưu hoặc sinh non. Một số nghiên cứu còn cho thấy sự liên quan giữa việc hút thuốc lá và sứt môi, hở hàm ếch. Không bao giờ là quá muộn để từ bỏ thuốc lá. Bớt hút một điếu thuốc là bé có thêm một cơ hội để khỏe mạnh hơn. Nếu mẹ không thể tự bỏ thuốc lá, hãy tìm đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để có chương trình cai thuốc hiệu quả nhất. Thậm chí mẹ nên tránh xa khói thuốc để đảm bảo an toàn cho bé.

Cắt giảm lượng caffeine

Bác sĩ khuyên mẹ nên hạn chế lượng caffeine dưới 200mg mỗi ngày, tương đương khoảng 220ml cà phê. Lời khuyên này bắt nguồn từ một nghiên cứu năm 2008 cho thấy phụ nữ hấp thụ gấp đôi lượng caffeine cho phép có nguy cơ sẩy thai cao hơn so với người không hấp thụ caffeine.

Hơn nữa, caffeine không có giá trị dinh dưỡng, thậm chí nó còn cản trở cơ thể hấp thụ sắt, nhất là trong thời gian mang thai, hầu hết mẹ bầu nào cũng thiếu sắt. Caffeine cũng là một chất kích thích khiến mẹ khó đi vào giấc ngủ, gây ra đau đầu và chứng ợ nóng.

Hạn chế uống cà phê hoặc mẹ có thể chuyển sang các loại thức uống đã loại bỏ hết caffeine. Mẹ cũng nên kiểm tra hàm lượng caffeine trong các sản phẩm như trà, nước ngọt, nước tăng lực, sô cô la, kem, cà phê… cũng như các loại thuốc ngoài danh mục như thuốc chữa nhức đầu, cảm lạnh, thuốc dị ứng…

 

Nghỉ ngơi

Mẹ cảm thấy mệt mỏi trong quý 1 và quý 3 của thai kỳ? Đó là dấu hiệu cơ thể cảnh báo mẹ cần nghỉ ngơi thư giãn. Nếu mẹ không quen ngủ trưa, hãy dành cho mình những khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi giữa giờ làm việc và giảm bớt lượng công việc hàng ngày. Nếu mẹ khó ngủ, hãy thử đọc một cuốn sách hay lướt qua một cuốn tạp chí chẳng hạn.

Các bài tập yoga, giãn cơ, hít thở sâu hay massage đều là những cách tuyệt vời giúp mẹ giải tỏa căng thẳng và có được một giấc ngủ ngon hơn.


Mẹ bầu cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. (ảnh minh họa)

Loại bỏ các mối nguy hiểm từ môi trường

Một số công việc có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nếu mẹ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng như chì hoặc thủy ngân, bức xạ, mẹ nên xin nghỉ hoặc chuyển chỗ làm càng sớm càng tốt.

Các sản phẩm tẩy rửa, thuốc trừ sâu, dung môi, chì trong nước uống từ đường ống cũ cũng có thể gây hại cho thai nhi. Mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ về các thói quen hàng ngày có liên quan đến các loại chất này để có được lời khuyên về cách phòng tránh hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm trong nhà và nơi làm việc của mẹ.

Gặp nha sĩ

Mẹ đừng quên chăm sóc răng miệng: đánh răng, dùng chỉ nha khoa, khám răng miệng định kỳ. Thay đổi hoocmon progesterone và estrogen trong thời gian mang thau khiến mẹ dễ bị sưng, chảy máu, viêm nướu. Vì vậy, nếu lần kiểm tra răng miệng mới nhất của mẹ là từ 6 tháng trước, mẹ hãy đến gặp nha sĩ ngay để kiểm tra và chăm sóc răng miệng nhé.

Chăm sóc đời sống tinh thần

Nhiều mẹ cảm thấy tính tình mình trở nên thất thường, “lúc nắng lúc mưa” trong thời gian mang thai. Thậm chí, không hiếm trường hợp mẹ bầu mắc bệnh trầm cảm khi mang thai.

Nếu trong khoảng thời gian 2 tuần, mẹ cảm thấy chán nản, không gì có thể khiến mẹ hào hứng, hãy chia sẻ cảm xúc với các chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc bác sĩ để được giúp đỡ.

Nếu mối quan hệ của hai vợ chồng trong thời gian này không được tốt, mẹ cũng nên cho bác sĩ biết. Mang thai có thể khiến mẹ khó tính hơn, dễ khiến hai vợ chồng trở nên căng thẳng, đó là dấu hiệu ban đầu có thể dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Đừng chủ quan khiến sức khỏe của mẹ và bé nguy hiểm.

Theo BC

Bài viết cùng loại