Ngay khi mẹ được thông báo con đã chào đời, các bác sĩ sẽ mang con đi vệ sinh miệng và mũi để loại bỏ hết chất nhờn và nước ối còn đọng lại trong miệng và mũi con. Sẽ không mấy khó chịu đâu, sau đó con sẽ thoải mái hơn nhiều vì con có thể tự hít thở không khí. Lúc này con hãy cất tiếng khóc để nở phổi để các bác sĩ và mẹ biết là con khỏe mạnh nhé!
Thẻ tên của con, mẹ đừng gỡ ra nhé
Tiếp đó, các bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn cho con. Dây rốn là nơi mẹ cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho con, đồng thời cũng là con đường vận chuyển các chất thải của con ra ngoài, nhưng khi con chào đời thì dây rốn không còn cần thiết nữa nên các bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn. Sau đó, các bác sĩ sẽ đo chỉ số Apgar để xác định các phản ứng của con có bình thường hay không, hoặc dấu hiệu của hệ hô hấp, màu da, cuối cùng là đo cân nặng và chiều cao của con. Nếu điểm số Apgar của con ở mức 7-10 thì con sẽ được đánh giá là khỏe mạnh. Dưới mức đó thì ba mẹ và các bác sĩ cần phải chú ý nhiều đến sức khỏe của con hơn. Mẹ yên tâm, hầu hết các bé sơ sinh đều đạt mức 8 hoặc 9 điểm. Nhiều trẻ sơ sinh có điểm số Apgar thấp lúc mới sinh nhưng khi lớn lên vẫn là một đứa trẻ có sức khỏe tốt.
Con sẽ được cân đo
Các cô điều dưỡng sẽ lau con sạch sẽ và đặt con vào một nơi ấm áp cho đến khi con duy trì nhiệt độ cơ thể của mình. Quá trình này có thể mất đến hai giờ, (lúc này mẹ đang được khâu tầng sinh môn và đẩy ra phòng hậu phẫu); sau đó mẹ con mình sẽ được gần nhau.
Trong khi mẹ vẫn còn đang ở trong phòng sinh hoặc phòng hậu phẫu, con sẽ được các cô điều dưỡng vệ sinh mắt để ngăn ngừa nhiễm trùng mắt khi con được sinh ra qua ngả âm đạo của mẹ. Ngoài ra, con có thể được tiêm vitamin K ở bắp đùi để ngăn ngừa tình trạng đông máu. Mũi tiêm chỉ như kiến cắn thôi, con đừng sợ !
Ngay khi con đươc ra với mẹ, mẹ sẽ “đền bù” cho con bằng cách ôm con vào lòng và cho con ngậm ti mẹ. Mặc dù lúc này ti mẹ chưa có sữa nhưng con cố gắng ti nhiệt tình vào nhé, để mẹ mau tiết sữa cho con bú.
Mẹ học cách chăm sóc con
Nếu cả hai mẹ con mình cùng khỏe mạnh bình thường, chúng ta sẽ đươc ra phòng riêng nhưng thỉnh thoảng các bác sĩ sẽ làm phiến mẹ con mình một chút để đảm bảo chúng ta vẫn ổn. Các bác sĩ hoặc các cô điều dưỡng sẽ kiểm tra xem con có thích ứng tốt với cuộc sống hay không. Có thể, các cô sẽ kiểm tra luôn cả “chỗ kín” của con xem có gì bất ổn, sờ vào đầu con xem các đường rãnh thóp và thóp có bất thường gì không. Các cô ấy sẽ nghe nhịp tim con, xem tim con làm việc tốt chứ, và xem con ti mẹ có nút mạnh không, nhiệt độ cơ thể con có ổn không…
Các dấu hiệu quan trọng của con sẽ được các bác sĩ theo dõi 30 phút mỗi lần trong 2 giờ đầu tiên, sau đó 4-6 giờ một lần nếu mọi thứ ở con đều bình thường. Nếu con có bất kỳ dấu hiệu bất ổn nào sau hai giờ sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xét nghiệm sâu hơn.
Lúc này mẹ sẽ học cách tự chăm sóc em bé sơ sinh của mẹ. Mẹ học cách chăm sóc con qua cách cô điều dưỡng tắm cho con và cách các cô ấy thay bỉm cho con. Con sẽ được tắm sau 24 giờ sau sinh, khi thân nhiệt của con ổn định. Mẹ sẽ học cách thay bỉm cho con để phân su đen thui kia không bám vào hai bên bắp đùi nhỏ xíu của con. Mẹ cũng được học cách mặc quần áo cho con sao cho khéo để con không khó chịu. Mẹ cũng học cách quấn con bằng khăn mỏng để con không cảm thấy chới với, học cách ôm con, bế con và chăm sóc rốn cho con. Mẹ còn học cách cho con bú nữa chứ. Những lần đầu tiên cho con bú thật lóng ngóng, vụng về; nhưng mọi điều sẽ ổn thôi con nhỉ, mẹ con mình sẽ biết cách chăm sóc nhau tốt nhất có thể.
Bé nhìn ngắm thế giới xung quanh
Trong vòng 12 tiếng sau khi con chào đời, con sẽ được các bác sĩ chích mũi viêm gan siêu vi B nhé. Chỉ đau chút xíu thôi nhưng đảm bảo gan con sẽ hoạt động ổn định.
Bây giờ con đã ổn rồi nhé và mẹ cũng khỏe hơn. Con sẽ được các bác sĩ kiểm tra xem có bị vàng da sơ sinh hay không. Nếu bị vàng da, con sẽ được chiếu đèn để giúp con cải thiện tình trạng này. Con có thể phải chiếu đèn liên tục hay cách quãng tùy vào độ vàng da sơ sinh. Và ng da có thể gây dị tật não, nên chúng mình phải chịu khó nằm chiếu đèn nhé.
Con trong vòng tay ba
Mẹ con mình sẽ ở trong bệnh viện trong 24 đến 48 giờ sau khi sinh, nếu mẹ sinh con tự nhiên. Nhưng nếu mẹ sinh mổ thì chúng ta cần 3-5 ngày mới rời khỏi bệnh viện để các bác sĩ có nhiều thời gian kiểm tra sức khỏe mẹ con mình kỹ càng hơn.
Cho dù bạn là ai hay bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa đừng quên chăm chút móng tay của mình thật đẹp nhé