Nhịp sống trẻ

Học sinh Việt Nam đang sống trong... stress

Một số nghiên cứu mới về tâm lý học đường cho thấy học sinh Việt Nam hiện nay đang có cuộc sống khá căng thẳng.
Học sinh Việt Nam đang sống trong... stress

Những nghiên cứu này được đưa ra tại hội thảo Tâm lý học đường lần thứ IV, diễn ra trong hai ngày 14, 15/8, do Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) và Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức.


Nhi đồng thiếu niên: tăng lo âu, trầm cảm

 

Ở Việt Nam, số lượng trẻ em trong độ tuổi học sinh mắc rối loạn lo âu và trầm cảm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Hoàng Cẩm Tú và cộng sự (2007) khảo sát sức khỏe tâm thần ở 1.727 học sinh THCS ở Hà Nội cho thấy có 25,76% tổng số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó số học sinh có những vấn đề cảm xúc cao nhất – chiếm tới 29,7%, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam.

Theo Nguyễn Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Nga (2009), có 20,65% học sinh lớp 1 có lo âu học đường ở mức độ vừa, trong đó tình huống kiểm tra kiến thức ở lớp học là nguyên nhân lớn nhất.

Nghiên cứu gần đây nhất của Đặng Hoàng Minh, Bahr Weiss và Nguyễn Cao Minh (2013) đã điều tra dịch tễ trên 1.314 trẻ em từ 6 – 16 tuổi ở 10 tỉnh, thành phố Việt Nam đã cho thấy có 9,6% trẻ có các vấn đề hướng nội ở mức lâm sàng. Trong đó, lo âu/ trầm cảm chiếm 1,8%, thu mình chiếm 2,1%, than phiền cơ thể chiếm 4,1%. Tỉ lệ này ở mức ranh giới là 18,3%.

Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em từ 6 – 16 tuổi có các bất thường về tình cảm là 16,29%, ở mức ranh giới là 11,59%.

Như vậy, thống kê chưa đầy đủ nêu trên đã cho thấy một xu hướng tương đối rõ rệt, đó là tỉ lệ học sinh có các vấn đề về cảm xúc ngày càng gia tăng và là loại rối nhiễu chiếm tỉ lệ cao nhất trong các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh phổ thông.

 

 

Học sinh THCS: Dễ gây hấn

“Em có bao giờ tụ tập gây gổ không?” là câu hỏi trắc nghiệm được nhóm khảo sát của Th.S phạm Văn Tư, Khoa Công tác xã hội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra cho các học sinh trong khảo sát về thực trạng hành vi gây hấn của học sinh THCS. Trong 200 học sinh của trường THCS Trung Chính (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) – đối tượng được chọn làm mẫu khảo sát – đã có 38,2% trả lời “Có” đối với câu hỏi trên.

Hỏi thêm về vấn đề này, các em cho biết việc tụ tập gây gổ có thể do bản thân làm “đầu tàu” của vụ việc hay là những người có liên quan trong sự việc gây mâu thuẫn, xích mích. Cũng có thể do bị lôi kéo, hùa theo số đông, hoặc bị ép buộc tham gia tụ tập nếu không cũng sẽ bị liên lụy. Để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân thì những người chỉ ở góc độ chứng kiến cũng rất có thể trở thành kẻ đi gây hấn.

Có 34,4% học sinh được hỏi cũng đã đưa câu trả lời đã từng cố ý đánh người với những mức độ khác nhau vì mâu thuẫn, xung đột không kiềm chế được cảm xúc, cơn tức giận. Hay thậm chí, các em đưa ra dẫn chứng cho hành vi gây hấn của học sinh với các lý do đơn giản là thấy “ngứa mắt”, muốn “dằn mặt” cho bớt tính kiêu căng, hoặc “vì nó dám liếc mắt đưa tình với người yêu mình” và rồi quyết định “phải cho nó một bài học”…

Theo nhóm nghiên cứu, về biểu hiện của hành vi gây hấn của học sinh trong các tình huống, có 53% học sinh thường xuyên cho rằng khó có thể bỏ qua hoặc quên đi lời nói, hành vi của người khác đã làm mình bị tổn thương. 47% thường xuyên không giữ được bình tĩnh trước sự khiêu khích của người khác.

Trong khi đó, các tình huống như trong mọi cuộc thảo luận ý kiến của em phải là ý kiến chuẩn nhất và mọi người đều phải nghe theo, nếu thấy cần hoàn toàn có thể giải quyết mâu thuẫn của mình với đối phương bằng nắm đấm hay cảm thấy thích thú khi tham gia vào nhóm em đang “buôn dưa lê” và nói xấu về ai đó… là những biểu hiện gây hấn của học sinh chiếm tỉ lệ thấp nhất.

 

 

Không biết quản lý thời gian, học sinh lớp 12 stress vì học

Trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa kỹ năng quản lý thời gian và stress trong học tập của học sinh lớp 12, do một nhóm giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế thực hiện, kết quả cho thấy hầu hết học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Quốc học Huế đều trải nghiệm stress trong học tập ở mức độ tương đối cao.

Theo kết quả khảo sát, nhìn chung kỹ năng quản lý thời gian của học sinh lớp 12 ở mức trung bình. Bên cạnh đó, các kỹ năng bộ phận đều ở mức “cần cải thiện hơn nữa”. Đặc biệt, có 3 kỹ năng mà các em cần phải cải thiện nhiều nhất là kỹ năng “lên kế hoạch”, “thiết lập nhiệm vụ ưu tiên” và “cân bằng lối sống”.

Gần 50% học sinh lớp 12 cho biết các em “rất thường xuyên" học tập và làm việc mà không cần ghi nhớ, ghi chú lên lịch…, hoặc gần 40% học sinh “rất thường xuyên” học tập và làm việc mà không cần liệt kê ra những thứ cần làm trong ngày.

Đồng thời, số liệu khảo sát còn cho thấy 20% học sinh “rất thường xuyên” và 50% “thỉnh thoảng” làm nhiều việc cùng một lúc. Khá nhiều học sinh (hơn 20%) “rất thường xuyên” mất thời gian cả ngày chỉ để giải quyết những việc linh tinh, rắc rối, vặt vãnh. Ngoài ra, gần 100% các em cho rằng phải “rất thường xuyên” học tập và làm việc trong cả ngày nghỉ. Gần 20% cho biết các em “rất thường xuyên” học tập và làm việc mà quên cả ăn, không tập thể dục và không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, hơn 53% tiết lộ rằng các em chỉ toàn nói chuyện về công việc, việc học tập trong các cuộc họp mặt, tề tựu với người thân và bạn bè….

Kỹ năng quản lý thời gian tác động đến những tác nhân như các kỳ kiểm tra/ kỳ thi, khối lượng kiến thức cần tiếp thu lớn, khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, lịch học dày đặc, nhiệm vụ học tập quá nhiều, không có đủ thời gian để ôn tập và củng cố kiến thức đã học, phương pháp học tập của cá nhân không hiệu quả. Đây cũng chính là những tác nhân gây stress trong học tập ở mức độ cao cho học sinh lớp 12, và là những tác nhân liên quan chặt chẽ đến việc sắp xếp thời gian, lên kế hoạch lịch học tập và sinh hoạt cá nhân.

Bài viết cùng loại