Mẹ và bé

20 điều các ông bố nên làm khi vợ chuyển dạ

Sự hỗ trợ của các ông bố trong lúc chuyển dạ sẽ mang lại cho các bà mẹ cảm giác an toàn và bớt căng thẳng.
20 điều các ông bố nên làm khi vợ chuyển dạ

Trên thực tế, nhiều ông bố vẫn cảm thấy lúng túng, lo lắng không biết phải làm gì khi vợ chuyển dạ. Dưới đây là gợi ý 20 điều các ông bố có thể làm trong quá trình vợ chuyển dạ.  

1. Tự chăm sóc bản thân :

Đây là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm. Để có thể ở bên cạnh hỗ trợ vợ lúc sinh nở, bạn cần phải tỉnh táo, bình tĩnh và đủ sức khỏe. Hãy ăn uống đầy đủ để duy trì năng lượng, uống nước thường xuyên (và cũng nhớ cho vợ uống đủ nước). Tìm cách nghỉ ngơi khi có thể để chuẩn bị cho một chặng đường dài sau khi con ra đời - tránh các tư thế gây đau hoặc căng cơ. Tựa vào ghế, gối hay tường để thư giãn bất cứ khi nào có thể.

2. Giữ bình tĩnh :

Bạn ở cùng để hỗ trợ vợ trong quá trình chuyển dạ. Các nhân viên y tế đang chăm sóc cho sức khỏe của cô ấy. Sức khỏe và tinh thần của vợ trong khi sinh là ưu tiên lớn nhất. Giữ bình tĩnh, chia sẻ sức mạnh và sự tích cực của bạn với vợ là một phần rất quan trọng. 

3.  Hiểu những gì vợ cần :

Nếu cô ấy đã lập kế hoạch sinh nở, hãy đảm bảo rằng bạn có ít nhất hai bản sao và nhớ những điều quan trọng mà vợ bạn đã lưu ý. Nếu bạn không biết bản kế hoạch sinh nở là gì, hãy tìm hiểu thêm. Trong thời gian chuyển dạ, vợ bạn khó có thể tập trung để thảo luận đầy đủ những gì cô ấy muốn hay cần. Hãy thay vợ nói chuyện với các bác sĩ để cô ấy không phải làm điều đó.

4. Biết cách tính thời gian các cơn co thắt :

Thời gian giữa các cơn co thắt khi vợ chuyển dạ được tính khi bắt đầu cơn co trước đến khi bắt đầu cơn co tiếp theo. Bạn có thể theo dõi các cơn co thắt và xem sự thay đổi của chúng. Trong quá trình chuyển dạ, các cơn co thắt bắt đầu với các cơn ngắn và dần dần kéo dài hơn. Vì lý do này, bác sĩ sẽ muốn biết các cơn co thắt  kéo dài bao lâu và mức độ đau để có thể xác định giai đoạn chuyển dạ của mẹ. Bạn cũng cần biết cách theo dõi các cơn co và các giai đoạn chuyển dạ để biết khi nào cần đưa vợ đến bệnh viện vì nếu di chuyển quá sớm có thể khiến quá trình chuyển dạ chậm lại hoặc ngừng hẳn.

5. Thể hiện tinh thần tích cực :

Đừng nói với vợ rằng bạn hiểu hay bạn có thể nhìn thấy là cô ấy đang rất đau. Thay vào đó, hãy khích lệ rằng những gì cô ấy đang cố gắng thật vĩ đại và nói bất cứ điều gì thật tích cực ví dụ như cô ấy đang gần đến đích rồi hoặc là cô ấy đang điều khiển các cơn co thắt rất tốt. Đôi khi, vào thời điểm thích hợp bạn có thể giúp vợ giảm căng thẳng bằng một trò đùa hài hước hoặc, làm cô ấy cười để thư giãn và nghỉ ngơi một chút theo nhịp co thắt chuyển dạ hoặc để giúp cô ấy vượt qua quá trình chuyển dạ chậm.

6. Nghỉ giải lao khi cần :

Bạn sẽ không thể hỗ trợ vợ nếu căng thẳng, mệt mỏi và không đủ tỉnh táo. Vì thế hãy tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống, hít thở và đi lại lấy lại sức. Nếu bạn có người đi cùng thì hãy phân công nhau thay ca nhé.

7. Giúp vợ kiểm soát sự căng cơ và thư giãn :

Căng cơ bắp là hiện tượng khá phổ biển khi bị đau và có thể cản trở quá trình chuyển dạ. Hãy giúp vợ thư giãn bằng cách mát xa nhẹ nhàng và trò chuyện với cô ấy. Mở rộng miệng cũng góp phần hỗ trợ cho quá trình vợ chuyển dạ. Hãy đề nghị vợ thả lỏng quai hàm và cùng làm để khích lệ cô ấy.  

8. Nhắc cô ấy uống nước và đi tiểu :

Trong quá trình chuyển dạ không phải lúc nào cô ấy cũng nhận thấy những thay đổi nhỏ trong cơ thể. Hãy khuyến khích cô ấy uống một ngụm nước sau mỗi cơn co và đi tiểu mỗi giờ. Theo dõi dấu hiệu mất nước như khô môi. Nước cho cơ thể cũng góp phần làm giảm đau do các cơn co thắt vì thế hãy giúp cô ấy bổ sung đủ nước trong quá trình chuyển dạ.

9. Chú ý đến sự thay đổi nhiệt độ cơ thể của vợ :

Nếu cô ấy đổ mồ hôi, hãy cho cô ấy uống gì đó hoặc thay quần áo. Nếu cô ấy lạnh  hãy đắp cho cô ấy một chiếc chăn mỏng hoặc mặc thêm quần áo hoặc mát xa giúp cô ấy thư giãn và làm ấm cơ thể. 

10. Thay đổi không gian trong phòng :

Trong thời gian chuyển dạ, phụ nữ thường ít nói hơn, nhắm mắt và có xu hướng nội tâm. Hãy cố gắng làm giảm sự ồn ào và tiếng trò chuyện xuống mức tối thiểu. Nếu có thể, hãy tắt hoặc giảm ánh sáng đèn. Nếu bạn và vợ đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng như thực hiện vỡ ối nhân tạo nhưng cô ấy không muốn như vậy, hãy đề nghị bác sĩ cho cả hai năm phút riêng để cùng thảo luận về các thủ tục và bất kỳ thắc mắc mà bạn cần trao đổi.

 11. Đưa ra những hỗ trợ thiết thực :

Nhắc cô ấy tập trung vào hơi thở của mình (để làm chậm nhịp thở), đề nghị cô lắc nhẹ hông để giải tỏa cơn đau và giúp cô ấy thay đổi tư thế thoải mái hơn. 

12. Đừng nói cô ấy phải làm gì :

Một trong những điều quan trọng nhất trong quá trình sinh nở là để cho người mẹ đóng vai trò chính. Bạn có thể đưa ra những đề xuất nhưng đừng cố ép cô ấy phải làm bất cứ điều gì cô ấy không muốn. Bạn hiểu vợ mình nhất, hãy đưa ra quyết định theo cách bình thường cả hai vẫn cùng làm, cho cô ấy thời gian để cân nhắc về các quyết định.

13. Cho vợ ăn nhẹ (nếu cần) để duy trì năng lượng :

Bổ sung nước và duy trì năng lượng trong giai đoạn chuyển dạ là rất cần thiết giúp cho thời gian chuyển dạ ngắn lại và giảm nguy cơ biến chứng. Bạn có thể cho cô ấy uống thêm nước hoa quả tươi, ăn một số loại quả sấy khô hoặc một ít bánh quy. 

14. Cử chỉ yêu thương :

Những cử chỉ yêu thương như ôm hôn không chỉ có tác dụng động viên tinh thần mà còn giúp giải phóng oxytocin hỗ trợ tăng tốc chuyển dạ. 

15. Chườm khăn nóng/lạnh để giảm đau :

Cô ấy bị đổ nhiều mồ hôi trong quá trình chuyển dạ? Cô ấy đang bị đau lưng vì các cơn co thắt? Hãy chườm lưng cho cô ấy bằng khăn nóng. Chườm nóng hoặc lạnh đều có tác dụng giảm đau trong quá trình chuyển dạ nhưng còn tùy thuộc vào nơi bị đau mà chọn chườm nóng hay lạnh. 

16. Làm điểm tựa vững chắc :

Bạn có nhớ vợ mình đã rất khó khăn để đứng dậy, đi lại trong 3 tháng cuối thai kỳ? Trong quá trình chuyển dạ, sẽ có những vết sưng lớn cùng với những cơn co thắt khiến cô ấy bị mất sức. Hãy làm điểm tựa giúp cô ấy có thể đứng dậy, di chuyển hoặc thậm chí túm chặt khi trải qua những cơn co thắt. 

17. Đừng bình luận dù có chuyện gì xảy ra :

Một số tình huống xảy ra trong quá trình chuyển dạ như ra phân khi rặn đẻ là hiện tượng bình thường. Các tình huống khác như chảy nhiều máu thì cần được lưu ý. Nếu bạn thấy có vấn đề bất thường, đừng nói với vợ. Cô ấy cần giữ bình tĩnh để vượt qua giai đoạn chuyển dạ vì thế mô tả những triệu chứng bất thường chỉ khiến cô ấy lo lắng, căng thẳng nhiều hơn. Thay vào đó, hãy ở bên cạnh, giúp cô ấy hiểu rằng các bác sĩ đang làm mọi thứ tốt nhất có thể và giúp cô ấy thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. 

18. Giữ im lặng khi cần :

Bạn có thể đưa ra những gợi ý và hỗ trợ nhưng hãy để ý đến tâm trạng của vợ. Đôi khi liên tục hỏi han và yêu cầu có thể gây phiền nhiễu, đặc biệt ở cuối giai đoạn chuyển dạ khi các cơn co thắt có cường độ mạnh hơn, dồn dập hơn. 

19. Hỗ trợ sau sinh :

Sau khi sinh cô ấy sẽ cần được loại bỏ hết nhau thai, cho con bú sữa non, thực hiện các thủ thuật khâu sau sinh hoặc các chăm sóc y tế khác. Chưa kể, cô ấy có thể sẽ rất đói. Hãy chuẩn bị sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ vợ sau khi sinh.

20. Tạo cơ hội gần gũi cho mẹ và bé ngay khi sau sinh :

Gia đình bạn đã có thêm một thành viên mới. Khi bé còn chưa được cắt dây rốn và thực hiện các xét nghiệm, nếu muốn bạn có thể yêu cầu bác sĩ cho mẹ được gần gũi con và cho con bú. Có thể sẽ có tốt hơn nếu đợi từ 2 đến 4 ngày sau khi sinh mới tắm cho bé lần đầu vì lớp phủ màu trắng vernix trên da bé là một chất kháng khuẩn và giúp giữ ẩm cho da.

Bài viết cùng loại