Sức khỏe giới tính

10 khám phá mới về bệnh ung thư vú

Ung thư vú nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ di căn vào mạch máu, mạch bạch huyết, cơ hoành và các bộ phận khác của cơ thể, phát sinh nhiều biến chứng nặng, đe dọa đến tính mạng con người. 10 phát hiện dưới đây được xem là những khám phá rất mới về căn bệnh nói trên.
10 khám phá mới về bệnh ung thư vú

Có tới 4 dạng ung thư vú

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature số ra mới đây, đặc biệt là qua phân tích gen, các nhà khoa học phát hiện thấy có tới 4 dạng ung thư vú khác nhau. Đây là kết quả nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Y khoa Washington và Trung tâm Ung thư Siteman. Theo TS. Mathew Ellis, trưởng nhóm nghiên cứu thì phát hiện trên rất độc đáo về mối liên quan giữa di truyền với ung thư. Nhờ phát hiện này mà trong tương lai người ta sẽ tìm ra thuốc đặc trị cho từng cá thể, nói cụ thể hơn là phù hợp với từng biến thể gen của mỗi người.

Ung thư vú ở đàn ông nguy hiểm hơn ở phụ nữ

Theo các chuyên gia Hiệp hội Phẫu thuật ung thư vú Mỹ (ASBS) thì đàn ông có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn so với phụ nữ nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tuổi thọ vẫn ngắn hơn 2 năm so với phụ nữ mặc dù thời điểm phát hiện giống nhau. Ngoài ra, mức độ di căn ung thư vú ở đàn ông nhanh hơn, khi được phát hiện thường ở giai đoạn nặng, khối u lớn. Vì vậy, một khi có dấu hiệu bất thường, không nên chậm trễ, cần đi khám càng sớm càng tốt.

Cadmium - thủ phạm gia tăng ung thư vú

Cadmium (cadimi) là kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh có độc tính cao, có trong các loại quặng kẽm và được sử dụng để sản xuất pin. Đây là kim loại nặng đôi khi có mặt trong thực phẩm, nhất là cá, rau xanh dạng củ, ngũ cốc... Tạp chí Nghiên cứu Ung thư của Mỹ đăng tải nghiên cứu ở 56.000 phụ nữ cho biết, những người có khẩu phần ăn giàu cadmium thì nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 21% so với những phụ nữ có khẩu phần ăn bình thường hoạc có hàm lượng cadmium thấp.

Ít ngủ, thủ phạm gia tăng ung thư vú

Tạp chí Breast Cancer Research and Treatment cho biết, những phụ nữ ngủ dưới 6 tiếng/đêm, nhất là nhóm sau mãn kinh thì tỷ lệ ung thư vú ở mức cao nhất, trong khi đó ở nhóm chưa mãn kinh lại không có hiệu ứng tiêu cực này. Đặc biệt, những người càng mất ngủ nhiều thì khối u "tăng trưởng" càng nhanh. Vì vậy giấc ngủ được xem là nguy cơ gia tăng bệnh ung thư vú rất cao, mọi người cần quan tâm đến giấc ngủ, mỗi ngày cố gắng ngủ 7 - 8 tiếng.

Virut đậu mùa - cứu tinh cho bệnh nhân ung thư vú?

Tại Hội nghị lâm sàng thường niên của Trường cao đẳng Phẫu thuật Mỹ tổ chức cuối năm 2012, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu mới cho biết về triển vọng điều trị bệnh ung thư vú của virut đậu mùa. Nhất là nhóm người mắc bệnh ung thư vú ba tiêu cực (triple-negative breast cancer). Theo nghiên cứu, sau khi điều trị bằng liệu pháp virut đậu mùa (Smallpoxvirus) có ít nhất 60% các khối u được triệt tiêu và 40% có dấu hiệu hoại tử. Ung thư vú ba tiêu cực là căn bệnh khó điều trị vì nó không đáp ứng với các thủ thuật điều trị hormon hoặc miễn dịch.

Làm việc ca đêm dễ bị ung thư vú

Tạp chí Y học nghề nghiệp và Môi trường (OEM) số ra tháng 9/2013 cho biết, những phụ nữ làm việc ca đêm có rủi ro bị ung thư vú cao, nhất là những người đi làm ca đêm 2 lần/tuần. Ngoài nghiên cứu trên, nhiều tạp chí y học danh tiếng trên thế giới cũng khẳng định điều này như tờ Toronto Sun của Canada, hoặc tạp chí Ung thư Quốc tế (IJC). Theo đó, nhóm phụ nữ đi làm ca đêm có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao 30% so với nhóm đi làm truyền thống, đặc biệt càng đi ca đêm nhiều thì rủi ro bị bệnh ung thư vú càng lớn, nhất là từ 4 năm làm ca đêm, tần suất 2 - 3 lần/tuần.

Kích thước áo nịt ngực có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh

Trước tiên, hệ gen cơ thể quyết định kích thước bầu vú, kết luận này được công bố trên tạp chí BMC Medical Genetics sau khi kết thúc nghiên cứu ở 16.000 phụ nữ. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện thấy 7 biến thể ADN và được đặt tên là những điểm đa hình đơn nucleotide (single - nucleotide polymorphisms), gọi tắt SNP. Theo đó, nếu ai có tới 3 SNP thì rủi ro ung thư vú cao hơn những người không có các biến thể này, còn áo nịt ngực to nhỏ là thể hiện kích thước bộ ngực mỗi người có liên quan đến hệ gen trong cơ thể.

Luyện tập có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh

Theo nghiên cứu của Đại học North Carolina thì chỉ cần luyện tập ít, nhưng đều đặn mỗi ngày có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, nhất là nhóm phụ nữ sau mãn kinh. Trung bình, luyện tập 10 - 19 giờ/ tuần thì giảm được 30% ung thư vú so với nhóm không luyện tập hoặc luyện tập ít.

Bệnh đái tháo đường týp 2 có thể làm gia tăng ung thư vú

Nhóm chuyên gia ở Viện nghiên cứu Phòng bệnh Quốc tế (IPRI) mới đây đã hoàn tất nghiên cứu dài kỳ và phát hiện thấy, đối với nhóm phụ nữ mãn kinh nếu mắc bệnh đái tháo đường týp 2 thì rủi ro mắc bệnh ung thư vú rất cao, nhất là nhóm người béo phì, dư thừa trọng lượng. Lý do, bệnh đái tháo đường tác động trực tiếp đến các hoạt động, chức năng của hormon và làm cho các khối u phát triển nhanh.

Béo phì - kẻ đồng hành với ung thư vú

Dư thừa trọng lượng, béo phì không chỉ làm giảm vẻ đẹp mà còn gây bất lợi cho sức khỏe, trong đó có rủi ro gia tăng bệnh ung thư vú. Thậm chí những người đang điều trị ung thư vú nếu béo phì cũng giảm tác dụng của thuốc, thời gian phục hồi lâu hơn và nguy cơ tái phát gây tử vong cao hơn so với nhóm người có trọng lượng bình thường. Vì lý do này mà mọi người dù mắc bệnh hay không mắc bệnh cũng nên duy trì trọng lượng cơ thể ở ngưỡng hợp lý bằng cách ăn uống cân bằng, khoa học và năng luyện tập

SKĐS

Bài viết cùng loại