Mẹ và bé

9 thói quen xấu của bố mẹ dễ làm hỏng con

Mẹ thường vô tình làm hỏng con bằng cách khen ngợi con, thưởng cho con những món quà có gí trị vật chất, hay bỏ qua lỗi của bản thân mình mà không hề hay biết.
9 thói quen xấu của bố mẹ dễ làm hỏng con

Đặt câu hỏi khi yêu cầu trẻ thực hiện một công việc :

Cha mẹ thường có thói quen đặt câu hỏi khi yêu cầu trẻ làm một việc gì đó. Chẳng hạn như "Con có thể lấy giúp mẹ lau nhà được không?", "Con có thể tự dọn đồ chơi vào được không?" hoặc "Mình sẽ đi chơi, con tự đi dép vào nhé, được không con?"... Khi cha mẹ đặt những câu hỏi như vậy, bé  sẽ hiểu rằng mình có quyền lựa chọn có làm hoặc không làm. Và thường con sẽ không chịu làm. Lúc này, mẹ lặp lại yêu cầu và trẻ tiếp tục không thực hiện yêu cầu dẫn đến sự tức giận và cả hai mẹ con đều không vui.

Chuyên dùng quà để hối lộ con :

Đây là một thói quen xấu khi nuôi dạy con mà nhiều mẹ đang mắc phải. Khi thấy con không chịu ăn, không chịu nghe lời là lập tức mang các “món ngon” ra để dụ dỗ lôi kéo trẻ. Cách này sẽ có hiệu quả ngay tức thời, làm cả mẹ và bé hài lòng. Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng phần thưởng sẽ không có tác dụng tích cực nếu con cố gắng làm mọi thứ chỉ để bố mẹ hài lòng và có được món quà con thích thú.

Hơn nữa, việc dùng dùng “mồi nhử” với con không những không giúp trẻ trở nên tự tin hơn mà đang biến trẻ thành người luôn mè nheo và yêu sách ngày càng tăng thêm.

 

Lạm dụng việc chụp ảnh :

 Việc lưu giữ lại những khoảnh khắc bên con là điều đáng quý và nên làm. Tuy nhiên, đừng lạm dụng công nghệ quá đà mà quên mất việc tận hưởng những khoảnh khắc tươi đẹp ngay tại thời điểm đó. Đôi khi, việc cha mẹ thực sự cần làm là đặt máy tính, điện thoại,... sang một bên và cùng con trải nghiệm những phút giây tuyệt vời – thay vì chụp hoặc quay lại những thước phim để rồi xem đi xem lại trên màn hình vô hồn, không cảm xúc.

 Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thận trọng khi đăng ảnh, clip liên quan đến con lên mạng xã hội vì hành động tưởng chừng vô hại này có thể trở thành mồi nhử cho những kẻ có ý đồ xấu như bắt cóc, lạm dụng tình dục...

Nói xấu những người mà con bạn yêu quý :

 Dù đó có là giáo viên của con bạn, mẹ chồng khó tính hay bất cứ người nào bạn không cảm thấy có nhiều thiện cảm, đừng bao giờ nói những lời cay độc về những người mà trẻ yêu quý và cần tôn trọng ngay trước mặt trẻ. Chuyện của người lớn hãy giữ giữa những người lớn với nhau, điều quan trọng là trẻ cần được sống trong môi trường tràn ngập yêu thương và học được cách lễ phép, tôn trọng với người lớn tuổi.

 

Đáp ứng mọi nhu cầu của con :

 Cha mẹ rất dễ mềm lòng trước những đòi hỏi của con. Chỉ cần đưa cho con chiếc ipad là được nghe tiếng con cười khanh khách, chỉ cần cho con ăn thêm tí kem là được nhìn cái miệng xinh xinh của con ăn ngấu nghiến, dễ thương vô cùng... Tuy nhiên, đừng biến mình trở thành người phục tùng mọi yêu cầu, thậm chí là yêu sách của con, dễ khiến bé sinh nhiều tính hư.  Đòi hỏi của trẻ cũng cần phải có giới hạn để trẻ học được tính kỷ luật và ý thức tự lập ngay từ nhỏ.

Là bậc làm cha, làm mẹ, không có ai muốn con mình thất bại, bị tổn thương hay thất vọng. Nhưng cần nhớ rằng, những điều trên là một phần tất yếu của cuộc sống khắc nghiệt này và trẻ cần học được cách trải nghiệm cuộc sống để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

 

Cha mẹ trách móc nhau :

Khi gia đình có chuyện, thay vì tìm hiểu nguyên nhân và cùng nhau giải quyết thì vợ chồng lại quay ra chỉ trích trách móc nhau ai đúng ai sai. Sẽ thật không hay nếu chuyện này liên tiếp được diễn ra dưới sự chứng kiến của trẻ. Trẻ sẽ vô tình hiểu rằng tranh cãi là cách tốt nhất để giải quyết mọi chuyện và sẽ căn cứ vào hành vi của bố mẹ để học theo.

Kiểm soát mọi thứ :

Việc kiểm soát cuộc đời con một cách quá mức sẽ khiến bé trở thành người thụ động, quen với việc bảo bọc, ôm ấp của cha mẹ, khó khăn khi tự lập trong cuộc sống sau này. Bên cạnh đó, còn làm trẻ nảy sinh tâm lí muốn chống đối, nổi loạn và dễ hình thành những nhân cách xấu.

Vì vậy, mẹ hãy cố gắng tạo cho bé có không gian riêng tư để trẻ được mắc sai lầm và học cách đứng dậy từ sai lầm đó. Đảm bảo an toàn cho con và kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động, hành vi của con là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

 

Bỏ qua lỗi của bản thân :

Nếu cha mẹ mắc lỗi hoặc hành xử một cách tiêu cực khi có trẻ ở bên cạnh, trẻ sẽ rất chú ý và chờ đợi hành động của cha mẹ. Lúc này, cha mẹ đừng phớt lờ mà hãy nghiêm túc nhận lỗi với trẻ và đề nghị trẻ tham gia giúp bạn từ bỏ thói quen xấu. Đây cũng là một cách để cha mẹ rèn luyện cho con suy nghĩ cần phải biết nhận lỗi, sửa đổi và giúp đỡ người khác khi trẻ lớn lên.  Đồng thời, các nghiên cứu cho thấy, gia đình sẽ bền chặt hơn nếu các thành viên giúp đỡ nhau để cùng có lối sống lành mạnh.

 

Giả vờ quan tâm đến con :

Vào ngày nghỉ, hay lúc rảnh rỗi, bạn có thể ngồi xuống đọc một quyển sách cùng con, hay cùng xem một bộ phim hoạt hình. Trong khi con bạn hồi hộp chăm chú theo dõi từng tình tiết của bộ phim còn bạn thì vừa kiểm tra tin nhắn điện thoại, lướt Facebook, vừa ngáp ngủ. Chắc hẳn đây là tình trạng mà hầu hết các bà mẹ đã từng trải qua.

Tuy nhiên,  đừng tưởng con cái chúng ta không hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Chúng hiểu rằng cha mẹ chúng không thực sự tận hưởng khoảng thời gian bên chúng” và hành động thờ ơ, hờ hững với những sở thích, niềm vui của trẻ sẽ ngăn cản sự đam mê của chúng cũng như khiến trẻ không cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ.

Bài viết cùng loại

Xem nhiều nhất

Quảng cáo

    Facebook