Tôi thích làm việc, thích bận rộn, và luôn có kế hoạch, mục tiêu để vươn tới. Thế mà phải mất cả thập kỷ tôi mới đến được với “tình yêu” công việc. Từng làm nhiều nghề, sống nhiều nơi, học nhiều thứ khác nhau để tìm cái Nghiệp của đời mình, tôi cũng đúc kết được một chút kinh nghiêm, nay nhào nặn thành một công thức để chia sẻ.
Cũng giống như bất kỳ công thức nấu ăn nào, công thức của tôi cũng có nguyên liệu chính, nguyên liệu phụ và gia vị. Tùy vào khẩu vị của người dùng mà gia giảm các thành phần sao cho hợp với bạn.
Hãy làm công việc mà bạn thích, tiền bạc sẽ đến theo
Đó là một câu nói dễ thương vẫn được thiên hạ nhắc đến lâu nay. Thế gian không thiếu những người phụ nữ thành công, rồi giàu có và nổi tiếng vì theo đuổi đam mê của mình: Oprah, Susan Boyle…
Còn phụ nữ Việt Nam thì sao, bao nhiêu người trong số chúng ta đã hỏi bản thân: Mình thật sự có muốn làm công việc này không? Mình có vui buồn, sống chết với công việc hàng ngày của mình không? Có cái gì khác mình muốn làm thay vì công việc hiện tại?
Nếu câu trả lời là không, bạn hãy liệt kê ba việc mà bạn thật sự yêu thích, rồi xem xét, ngẫm nghĩ có điểm gì nối ba việc này. Ví dụ: tôi mê đọc sách, thích viết, tôi rất hưng phấn mỗi khi làm chủ tiệc, chủ nhà, tôi giao lưu với bạn bè và xã hội rất dễ dàng. Vì vậy tôi có duyên với nghề quan hệ công chúng. Tôi yêu lắm cái nghiệp PR của mình, và không có một buổi sáng nào tôi thức dậy uể oải không muốn đi làm.
Nếu vì lý do tài chính mà bạn không thể từ bỏ công việc đang làm, dù không mặn mà gắn bó với nó, hãy làm như bá tước Monte Cristo. Đặt ra một mục đích (ví dụ mình sẽ nói giỏi tiếng Pháp trong 12 tháng và có thể làm thông dịch viên tiếng Pháp). Sau đó, hàng ngày, bạn dành ít nhất 15 phút để làm việc mình thật thích: luyện tiếng Pháp (hoặc nấu ăn, giao dịch chứng khoán, trang trí nội thất). Tập cho đến lúc giỏi thì thôi. Nhân nói đến việc luyện tập hàng ngày, đó chính là nguyên liệu chính thứ hai trong công thức của tôi: hàng ngàn giờ phút rèn luyện để hoàn thiện kỹ năng của mình.
Sự tinh tế giống như gia vị
Khi đã may mắn có thể làm công việc mình yêu thích, sự chăm chỉ làm việc sẽ là yếu tố quan trọng thứ nhì để bạn trở thành bậc thầy trong nghề của mình, và để đảm bảo sự thành công. Những kỹ sư IT người Việt hiện đang rất được săn đón trên toàn thế giới vì ngoài chuyên môn giỏi, họ còn không ngại vất vả, khó khăn. Không ai làm móng tay giỏi như phụ nữ Việt. Họ miệt mài với nghề, cho đến lúc nghề làm móng của người Việt trở thành thương hiệu và có uy tín cao ở khắp nơi: từ Mỹ, đến Anh, qua Úc.
Gia vị chính trong công thức của tôi là sự thành thật. Khi mới bắt đầu sự nghiệp PR, tôi đã rất may mắn được nhà phê bình kiêm guru của ngành PR Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn dìu dắt. Một trong những bài học đầu tiên của thầy bắt đầu như thế này: Các em phải luôn luôn thành thật (với khách hàng, với sếp, với đồng nghiệp, đối tác, nhà báo…) vì sự thành thật có lợi cho các em nhất. Và nhiều năm trôi qua, càng trưởng thành, tôi càng thấm thía lời thầy dạy, cả trong công việc lẫn cuộc sống thường ngày.
Sự rõ ràng và thành thật trong công việc sẽ bảo vệ bạn khỏi những rắc rối tiềm ẩn (vì sự thật bao giờ cũng sẽ sáng tỏ, không sớm thì muộn). Để là người minh bạch và thật thà trong công việc còn đòi hỏi lòng dũng cảm (nói thật nhiều khi rất khó), và sự khéo léo của người phụ nữ (để người khác biết mình nói thật nhưng không mất lòng).
Theo giáo sư Baron Cohen, nhà tâm lý học hàng đầu người Anh, thì phụ nữ là các nhà thấu cảm, trong khi đàn ông hệ thống hóa mọi thứ. Điều này làm phụ nữ dễ thông cảm hơn với người khác. Cũng vì vậy, nhu cầu được thuộc về một cộng đồng, được yêu thích, kính trọng của phụ nữ cũng cao hơn. Làm việc trong một môi trường có nhiều phụ nữ cũng phức tạp hơn. Ở đó sự tinh tế của người phụ nữ giống như gia vị trong thức ăn, nó sẽ làm mỗi ngày làm việc của bạn thuận lợi và dễ chịu hơn.
Một chút tử tế và sự lạc quan
Mỗi lần bạn chọn sự tán thưởng của đám đông thay vì điều mà trái tim mình mách bảo, tiền bạc thay đạo đức, hoặc ỷ lại vào môi trường quen thuộc thay vì vùng vẫy khám phá những điều mới mẻ, bạn sẽ đánh mất một phần của mình. Đừng đánh đổi giá trị của bản thân!
Con người là những trái tim khao khát yêu thương. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đang bận tâm hay khổ tâm vì một điều gì đó, kể cả những người mà bạn nghĩ là có tất cả, và chẳng có gì phải buồn phiền. Vì vậy, hãy luôn gieo rắc lòng tốt. Một chút tử tế và ân cần giống như một hòn đá nhỏ ném xuống mặt hồ. Làn sóng lan tỏa của nó lớn hơn ta nghĩ rất nhiều.
Và cuối cùng, đừng quên sức mạnh của sự lạc quan. Trong cuốn The Secret của Rhonda Byrne, bà so sánh suy nghĩ của con người giống như các làn sóng của ăng ten TV, phát ra từ não. Còn cuộc đời ta là màn hình chiếu lại những suy nghĩ đó. Nói như thế, bạn chọn những suy nghĩ tích cực hay tiêu cực?
Cho dù bạn là ai hay bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa đừng quên chăm chút móng tay của mình thật đẹp nhé