Cả khu phố nơi vợ chồng Nhung - Trường đang ở đều rất quý mến cặp đôi này. Trường ít nói nhưng tốt bụng, rất hay giúp đỡ người khác, Nhung thì mau mồm miệng, gặp ai cũng hỏi, cũng chào. Tuy chuyển về đây sống chưa lâu song hầu như nhà nào trong khu phố cũng khen hai vợ chồng vừa xứng đôi vừa lứa lại sống nề nếp, ý thức và đặc biệt là đi đâu cũng có nhau.
Đằng sau những tưởng tượng tốt đẹp đó của hàng xóm láng giềng, không ai biết được hai vợ chồng tuy mới cưới nhưng hục hặc xảy ra liên tiếp. Tất cả nguyên nhân các cuộc cãi vã hầu hết đều xoay quanh thói ăn tiêu, đua đòi của Nhung.
Nhung và Trường đều là dân tỉnh lẻ, hiện vẫn đang phải thuê nhà để sống, lương lậu thì đủ ăn đủ tiêu nhưng để tích lũy đủ tiền mua nhà thì chắc phải đến "mọt kiếp". Hoàn cảnh chẳng lấy gì làm khá giả song Nhung cứ quen thói ăn tiêu vô độ không bao giờ biết đến ngày mai. Mỗi lần lĩnh lương, Nhung tối mắt tối mũi đặt hàng, từ quần áo, giầy dép, túi xách, son phấn... cô đều quen mua qua mạng.
Thói ăn tiêu hoang toàng của Nhung đã khiến Trường ngán đến tận cổ. Hết nhắc nhở nhẹ nhàng đến cao giọng song Nhung vẫn chứng nào tật ấy.
Trường chán ngán về vợ nhưng đâu dám "tỏ" cùng ai bởi quan điểm sống của anh là "vạch áo cho người xem lưng" thì chẳng hay ho gì. Song mọi việc dường như đã quá sức chịu đựng của Trường.
Một lần ngồi uống rượu tại nhà với cậu bạn "nối khố", Trường đã trút bầu tâm sự: "Vợ đúng là cái nợ đời ông ạ! Lương thì 5 triệu mà váy nọ, áo kia, giầy dép cả vài tủ không hết. Tôi thì được một góc độ dăm bộ áo quần, hai đôi giày là chấm hết. Tôi dại dột quen nộp tiền cho vợ từ hồi mới cưới, cứ ngỡ vợ sẽ biết giữ gìn mà chi tiêu và tiết kiệm, nào ngờ 'nướng' hết vào áo quần... Giờ tôi tỉnh ra rồi thì muộn quá".
Sau vài chén, Trường tiếp lời: "Trước đây lúc yêu vợ tôi có thế đâu. Từ ngày lấy nhau, chắc cầm tiền của chồng nên mới đua đòi thế. Giờ tôi chẳng nộp cho đồng nào nữa thì lại giở bài ngửa tay xin chồng. Tiêu hết tiền lương riêng, lại í ới bảo đưa tiền đi chợ, nộp tiền nhà, sinh hoạt phí... Thế mà tháng nào đến lượt đóng tiền điện, tiền net cũng 'Anh kìa', không ngày nào không 'Anh về sớm đi chợ luôn nhé'. Có hôm đi ăn sáng còn gọi tôi đến trả tiền vì trong ví không còn một xu. Tôi tức phát điên, chẳng lẽ 'táng' cho một trận giữa đường”.
Nghe Trường kể, cậu bạn thủng thẳng thêm vào: “Chắc tại ông chiều vợ quá, chứ cứng rắn lên vợ nó mới sợ”. Song Trường phản bác ngay: “Tôi cứng rồi đấy chứ, đe dọa bảo cứ ăn tiêu hoang toàng thế tôi đuổi thẳng cổ, không có xin xỏ gì nữa, đời ai người nấy lo. Lúc ấy cũng biết sợ, cũng nói xin lỗi này nọ rồi cơn nghiện mua sắm lên thì quên hết trời đất. Tôi chẳng dám sinh con nữa đây này. Chán lắm rồi, cái nợ đời! Chẳng lẽ giờ ly hôn!”.
Mới lấy nhau mà anh đã vô cùng chán nản mỗi khi nhắc đến cô vợ trẻ của mình (Ảnh minh họa).
Cùng chung một nỗi chán chường về vợ như Trường là Thanh (Mai Dịch, Hà Nội). Nhưng căn nguyên dẫn đến câu nói cửa miệng “Vợ - cái nợ đời” của anh lại là thói lười biếng và vô cùng đoảng việc nhà của vợ.
Hơn 1 sống chung, số lần Quý - vợ anh chủ động dọn dẹp nhà cửa không đếm nổi trên đầu ngón tay. Không ai ngờ người phụ nữ hơn 20 tuổi, lúc nào ra ngoài, đi làm cũng tươm tất quần áo, đầu tóc gọn gàng ấy lại bị chồng suốt ngày chê là vừa lười, vừa bẩn, vừa đoảng:
“Con người cô ấy khi ra đường với khi về nhà như hai thái cực vậy. Chỉ đẹp được cái ‘mặt tiền’, hễ về đến nhà là quần thay ra một nơi, áo một nẻo, dép guốc trong nhà 1 cái, cái nữa khi thì ngoài hiên, khi chó tha ra tận ngõ… Đã thế còn ở bẩn, quần áo cứ bốc mùi ‘ngào ngạt’ mới tống vào máy giặt, rồi đồ bẩn, đồ sạch, kể cả đồ chip cứ treo lẫn lộn trong tủ. Làm gì cũng cốt cho nhanh, cho nhàn cái thân là được.
Nấu nướng thì món gì cũng luộc với kho, quanh đi quẩn lại chỉ mua trứng, thịt làm cho nhanh gọn. Nếu khi nào đổi món rán thì y như rằng 10 bữa có đến 9 bữa cháy vì quên...”.
Mặc dù mới lấy nhau nhưng Thanh đã quá chán nản cô vợ trẻ của mình. Theo lời anh thì lúc yêu, anh đã bị Quý “lừa” bởi lần nào gặp gỡ, hẹn hò Quý cũng gọn gàng, sạch sẽ, nước hoa thơm nức đúng điệu "đẹp mặt tiền" như bây giờ: “Hồi ấy, những lần đến phòng trọ Quý chơi, cũng có thấy mùi ẩm mốc, phòng bừa bộn nhưng nghĩ chắc con gái ở với nhau nhiều đồ đạc nên thế, ai nghĩ người yêu mình lúc nào cũng xuất hiện với bộ dạng sáng sủa thế kia lại sống bẩn và bừa thế được”.
Điều khiến Thanh trăn trở hơn cả là hiện tại hai người chẳng khác gì vợ chồng son, chưa con cái mà Quý đã “hiện nguyên hình” một người phụ nữ vụng về, lười nhác như thế thì không biết đến khi có con sẽ thế nào.
“Có lẽ lúc ấy nhà sẽ thành bãi rác, ngập như một bãi chiến trường. Giờ mỗi lần có khách hay chỉ cần bố mẹ đến chơi, mình chính là ô sin phải đi dọn dẹp.
Dường như cô ấy không ý thức được là nhà mình bẩn và bừa bộn nên cứ kệ, có nhắc nhở cũng chỉ úi xùi: ‘Người ta đến có tí, ai để ý mà anh cứ phải quan trọng hóa. Mình sống thoải mái là được’. Nhưng nào mình có thấy thoải mái trong cái đống áo quần, rác rưởi, giầy dép, bụi bặm… bẩn thỉu ấy” - Thanh ngán ngẩm chia sẻ.
Càng ngày Thanh càng thấy bế tắc mỗi khi nhắc đến vợ: “Vợ lười, vợ bẩn làm mình nhiều khi chẳng muốn gần vợ. Mới lấy nhau đã chán rồi thì làm sao mà sống được lâu dài đây? Giờ mới thấm câu bọn bạn hay bảo nhau: ‘Vợ - cái nợ đời!’”.
Theo TTT
Cho dù bạn là ai hay bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa đừng quên chăm chút móng tay của mình thật đẹp nhé