Góc vợ chồng

Gái có công, chồng... vẫn phụ!

Thương chồng, yêu con, chị đã hy sinh sự nghiệp để trở thành bà nội trợ... Để rồi khi thành đạt, chồng nhìn chị bằng nửa con mắt, khinh không thèm nói chuyện...
Gái có công, chồng... vẫn phụ!

Vậy là sau bốn năm “dùi mài kinh sử”, chồng chị đã có được tấm bằng kỹ sư. 40 tuổi, anh có thể hãnh diện nói với mọi người: “Tương lai của tôi mới bắt đầu”. Chị quệt mồ hôi ở trán, cởi áo khoác bỏ vào cốp xe, bê thùng rau câu đến gốc cây điệp già, bấm điện thoại nhắn tin cho chồng. Chị tội nghiệp chồng, bốn năm làm sinh viên của anh chẳng giống ai. Vì đi học muộn, lại bận bịu vợ con, để có tiền đóng học phí, anh phải đi phụ hồ, giúp việc cho những công trình cầu đường…

 

Bốn năm anh miệt mài học-làm-học, không dám đi dã ngoại với bạn bè trong lớp dù chỉ một lần. Thương chồng ham học, chị đã cố gắng làm tất cả. Anh chị gặp nhau năm anh 34 tuổi, đang làm thợ xây dựng cho công trình của công ty, nơi chị đang là kế toán. Chị đã có bằng trung cấp, đang làm hồ sơ học liên thông đại học; còn anh, bốn lần thi đại học đều đậu, nhưng vì hoàn cảnh cha bị tai nạn qua đời, mẹ già yếu, anh từ bỏ cơ hội đến trường mà lòng nung nấu ngày đi học lại…
 


Một năm sau họ cưới nhau. Mấy tháng sau, chị cấn bầu. Niềm vui có chồng, có con chưa bao lâu thì vì tính thẳng thắn, không chịu làm khống sổ sách theo ý sếp, chị bị đuổi việc.


Không biết xin việc ở đâu, chị kiếm sống bằng nghề mới: bán rau câu dạo. Nhờ khéo tay, rau câu, yaourt chị nấu thật ngon, hôm nào cũng hết sạch hàng. Nửa năm nấu rau câu, nhờ mối lái đưa tiếng giúp, mỗi ngày chị nấu đến cả ngàn hộp. Bốn miệng ăn trong nhà lẫn học phí của chồng đều nhờ vào đó. Anh rất vui vì vợ làm ăn được, mỗi lần có dịp họp gia đình là không ngớt lời cảm ơn vợ với họ hàng. Nghe chồng khen, chị cũng vui lây. Mấy dì của chị khen: “Ráng lên con, gái có công, chồng không phụ”. Chị tâm đắc điều đó lắm. Chắc chắn những khó nhọc, hy sinh của chị, anh phải là người “thấm” hơn ai hết. 

Anh tốt nghiệp loại giỏi, thấy chồng phân vân nên hay không nên đi thi cao học, chị động viên anh học tiếp: “Anh đi học luôn cho em anh nhé!”. Anh ôm vợ thủ thỉ: “Anh học là để có việc tốt, thu nhập cao lo cho vợ con và… trả ơn em!”.

Thế nhưng, từ ngày anh có bằng thạc sĩ, công việc thăng tiến, thu nhập cao, mọi chuyện lại khác. Là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xây dựng, anh suốt ngày ở ngoài đường, tiếp khách, nhận công trình. Anh phải ăn nhậu, giao tiếp, việc ăn cơm nhà với vợ con ngày càng thưa thớt.

Có lần giặt áo cho chồng, thấy thư mời họp mặt của lớp đại học, chị hỏi: “Anh có tính đưa mẹ con em đi cùng không?”, anh thản nhiên: “Em có biết nói chuyện gì với người ta đâu mà đòi đi!”. Chị tự an ủi: “Ừ thì toàn bạn của chồng, mình đến đó cũng lạc lõng”.

Cách đây vài tháng, khi bàn việc chọn trường cho bé Nhi vào lớp 1, ý kiến chị đưa ra bị chồng gạt phắt, còn gắt: “Em chỉ quẩn quanh xó bếp, biết trường nào tốt đâu mà chọn, để đó anh lo”. Rồi những lần họ hàng có giỗ, tiệc… anh không còn tự hào khi bên cạnh chị, mà luôn ngồi vào bàn với khách “VIP” của gia đình, chị cũng tự thoa dịu: “Có anh đại diện họ hàng tiếp khách như thế cũng mát mặt”.

Nhưng hôm qua, khi mẹ anh từ quê vào, gia đình anh có cuộc họp mặt nhỏ, mọi người ăn uống xong, ngồi vào bàn trà để bàn chuyện gia đình. Chị tranh thủ dọn dẹp, lên nhà trên ghé vào ngồi, anh quay sang, nghiêm mặt: “Em xuống bếp dùm anh đi!”. Chị chết lặng… Nhìn lại quanh mình, anh chồng, chị em bạn dâu, em chồng, bạn gái của em chồng đều ít nhất là đại học, chỉ có chị, đã thành người bán yaourt, bánh flan, rau câu… tự lúc nào!

Tối đó, chị khóc sưng cả mắt. Chồng chị vẫn ngủ say. Lúc chiều anh nạt khi chị hỏi: “Sao không cho em tham gia cuộc họp gia đình?”. Trước khi dắt xe đi, anh còn ngoái bảo: “Em có biết giải quyết, xử sự gì đâu mà đòi nghe. Biết gì mà ý kiến?”.

Bao năm qua, chị mặc định trong lòng, là vợ, là mẹ phải biết lùi một bước để chồng con thăng tiến… Giờ nhìn lại, bên ông chồng thạc sĩ, chị mãi là bà làm bánh, nấu rau câu bán lẻ. Ngày ngày chị cứ đồ bộ, áo bà ba, lại toàn giao tiếp với những người buôn bán nên nói năng bỗ bã. Trong khi đó, anh luôn quần áo chỉn chu, xe đời mới. Rồi chị chợt nhớ: bao lâu rồi anh không cùng chị sánh vai để đi đâu. Ở nhà thì anh ngồi trước vi tính, ra đường thì thắt cà vạt, xịt nước hoa. Còn chị, chỉ lúi húi dưới bếp hay lăng xăng chạy ra vô bán hàng. Vợ chồng chẳng còn chuyện gì để nói. Những khi có xung đột, anh nhún vai: “Nói với đầu gối còn sướng hơn!”, rồi bỏ vô phòng làm việc hay phóng xe đi. Có hôm, chị tình cờ nghe anh than với người bạn đến chơi: “Vợ chồng lệch nhau về nhận thức thật khó sống!”.

Thương chồng, yêu con, chị đã lùi một bước để vun đắp cho chồng… Chị không hay mình đã lùi mãi khiến khoảng cách giữa anh và chị ngày càng xa. Liệu chị có kịp bơi đuổi theo anh nữa hay không? Chị tự hỏi trong tuyệt vọng. Đã hơn 40 tuổi, việc nhà bề bộn, chị không thể đi học, cũng không còn tâm trí đâu để học. Còn xin việc làm… giờ có ai mà thèm nhận chị, khi năng lực, kiến thức của chị đã mai một và lạc hậu!

Bài viết cùng loại