Da đẹp

Cảnh báo bệnh tật từ dấu hiệu bất thường của làn da

Làn da có thể "tố cáo" rất nhiều căn bệnh đấy!
Cảnh báo bệnh tật từ dấu hiệu bất thường của làn da

Là cơ quan lớn nhất của cơ thể, làn da được coi là phần thể hiện rõ nhất sức khỏe của con người vì đôi khi nó mang dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của cả những bộ phận khác. Chỉ vài thay đổi nhỏ trên da cũng có thể là một triệu chứng thông báo các bệnh nghiêm trọng.

 

Phát ban

 
Nếu bạn không thể chữa khỏi chứng bệnh phát ban và còn bị sốt, đau khớp và đau cơ thì có thể bạn đang gặp một vấn đề với nội quan cơ thể hoặc bị nhiễm trùng. Phát ban cũng có thể xảy ra do dị ứng hoặc là tín hiệu khi cơ thể phản ứng với thuốc không phù hợp.
 
Đôi khi, những nốt phát ban trên gáy hoặc cánh tay, thường chỉ có màu hơi đậm hơn so với màu da bình thường lại là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị bệnh tiểu đường loại 2, thậm chí ung thư dạ dày hoặc gan.
 
Phát ban cũng có thể xuất hiện ở dạng những nốt phát ban màu tím trên cẳng chân, không khỏi khi dùng thuốc bôi. Đó là một dấu hiệu thông báo bệnh viêm gan C.
 
 

Da sạm thành màu như đồng hoặc đổi màu

 
Với những ai bị bệnh tiểu đường, nếu màu da chuyển thành màu đồng thì có khả năng người đó có vấn đề sự trao đổi chất sắt. Còn hiện tượng da, cùng với đó là lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng thì là dấu hiệu của chứng suy gan.
 
Trong trường hợp thấy da mình bị sạm lại chủ yếu ở những vùng da có sẹo, các nếp gấp da, các khớp khuỷu tay và đầu gối, điều bạn nên làm nhất là đi gặp bác sĩ vì có thể bạn đang mắc một chứng bệnh nội tiết (ví dụ như bệnh Addison).
 

Dưới da xuất hiện khối u, mụn

 
Những khối u trong cơ thể luôn cần được kiểm tra để xác định liệu đây có phải bệnh ung thư da, bệnh nội quan hoặc các hội chứng di truyền hay không. Riêng đối với phụ nữ, việc mụn trứng cá xuất hiện chủ yếu ở dọc phần cằm hoặc quai hàm, đi kèm với giảm cân không rõ lí do, tóc mỏng đi và lông trên mặt phát triển mạnh hơn có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang.
 
 

Da thay đổi độ ẩm và độ mềm

 
Không chỉ những dấu hiệu rõ ràng như phát ban, trứng cá… mới cho biết nguy cơ mắc bệnh, mà sự thay đổi về độ mềm, độ ẩm của da cũng có liên hệ mật thiết với các bệnh nội quan. Ví dụ như bệnh huyết áp cao và thận đôi khi dẫn đến việc da bị dày lên ở cẳng chân. Hơn nữa, chỉ đơn giản là da bị khô, ngứa cũng có thể là một dấu hiệu của các vấn đề nội tiết tố như bệnh tuyến giáp.
 
Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc chứng tự miễn dịch (hay còn gọi là bệnh tự miễn) sẽ bị sưng và xơ cứng da. Trong trường hợp mắc bệnh tự miễn nghiêm trọng hơn, điều này có thể dẫn đến xơ cứng cơ quan nội tạng như phổi hoặc tim. Mặt khác, da không săn chắc và quá mịn cũng có thể là một triệu chứng của bệnh mô liên kết hiếm, ung thư máu, ung thư hạch hoặc đa u tủy.

Bài viết cùng loại