Mẹ chồng - Nàng dâu

Bố chồng cấm...mặc váy

Trước tôi thấy tự hào về nề nếp gia đình nhà chồng bao nhiêu, thì bây giờ tôi lại thấy khốn khổ vì những sinh hoạt đó bấy nhiêu.
Bố chồng cấm...mặc váy

Hồi mới lấy nhau, tôi luôn tự hào với bạn bè đồng nghiệp mỗi khi giới thiệu về gia đình nhà chồng mình. Đó là một gia đình nề nếp, gia giáo, một gia đình hiếm hoi còn giữ được truyền thống tứ đại đồng đường, từ ông bà đến cháu chắt đều ở chung với nhau ở thời bây giờ. Gia đình chồng tôi có truyền thống làm nghề giáo, từ ông bà cho tới bố mẹ chồng, anh chị em nhà chồng đều là giảng viên, giáo viên. Chỉ mỗi mình tôi là dân ngoại đạo. Tôi đang làm kế toán ở một công ty Nhà Nước.

Hồi mới yêu nhau, nghe chồng kể về gia đình, tôi thầm ngưỡng mộ và tôn trọng gia đình anh lắm. Chúng tôi đã cưới nhau sau 1 năm tìm hiểu.

Trước đây tôi luôn cho rằng, mình được may mắn khi rơi vào gia đình anh. Bởi tôi nghĩ rằng, được sống chung với những người có trình độ, có học thức thì bản thân mình cũng được mở mang kiến thức nhiều đồng thời cũng được đối xử tử tế. Thêm nữa, chồng tôi lớn lên trong môi trường đó sẽ được dạy bảo tới nơi tới chốn, đặc biệt sẽ không phải lo anh ấy lăng nhăng bên ngoài. Còn con tôi, cháu cũng sẽ được thừa hưởng gen di truyền giỏi giang, thông minh từ nhà nội. Tôi đã từng mừng thầm như vậy.

Thế nhưng, sống cùng gia đình chồng 2 năm tôi mới thấu hiểu được nỗi thống khổ do cái sự gia giáo mang lại.

nhà chồng, bố chồng, gia giáo

Cả gia đình chồng tôi, hơn chục con người nhưng kể từ khi về làm dâu, tôi chưa bao giờ thấy ai to tiếng với nhau. Ban đầu tôi thấy ngạc nhiên lắm và cũng an lòng bởi tính tôi không khéo léo, tôi vốn sợ va chạm. Về sau tôi mới biết, nhà chồng tôi có những quy tắc bắt buộc mọi thành viên phải nghe theo. Người đứng đầu tổng chỉ huy chính là bố chồng tôi. Tiếng nói của ông có trọng lượng ghê gớm, dù đúng dù sai cấm con cháu cãi lại. Bởi thế tất cả đều răm rắp nghe lời từ trên xuống dưới.

Nguyên tắc đầu tiên đó là mọi thành viên trong gia đình dù bận rộn đến mấy thì trong các bữa cơm gia đình phải có mặt đầy đủ.

Trước tiên là bữa sáng. Mẹ chồng tôi từng nói: Ghét nhất là thấy con cháu lê la ăn sáng ngoài đường, nhìn rất nhếch nhác và mất vệ sinh. Dó đó, ông bà đề ra nguyên tắc, cả nhà bắt buộc phải ăn ở nhà bởi ăn ở nhà vừa tiết kiệm, lại vệ sinh. Chính vì thế, sáng nào tôi cũng phải lóc cóc dậy sớm từ 5g30, đi chợ, nấu nướng cho cả nhà ăn, chuyện trò dăm câu ba điều rồi vội vàng lao đến cơ quan. Cũng may bé nhà tôi 2 tuổi, được ông bà ở nhà trông nom nên tôi không mất thời gian đưa đón bé. Nhiều lúc trời rét căm căm, tôi thèm ngủ kinh khủng và chỉ ước mình ăn cái gì qua loa cho xong rồi đi làm nhưng lại không dám vì sợ bị chê là lười nhác.

Đến bữa trưa, ngày nào tôi cũng phải đi 10 cây số từ cơ quan về nhà để ăn cơm mặc dù nghỉ trưa có 1 tiếng rưỡi. Ăn xong tôi lại phải lao vào dọn dẹp phóng như bay đến cơ quan cho kịp giờ làm, vì thế ngày nào tôi cũng mệt phờ người vì không được nghỉ ngơi. Có lần đánh bạo, tôi xin phép cả nhà được ở lại ăn cơm và nghỉ trưa tại cơ quan, nhưng vừa nghe thấy cô cháu dâu nói thế ông nội chồng tôi buông đũa đứng dậy không ăn nữa, còn tôi thì bị mọi người mắng cho một trận tội ăn nói không suy nghĩ cho kĩ.

Tiếp tục đến bữa tối, sau khi ăn xong và dọn dẹp, tôi chỉ muốn đi nhanh về phòng nghỉ ngơi nhưng cũng không dám đứng lên trong khi cả nhà ngồi cùng nhau xem tivi, cười nói rôm rả. Tôi thấy sợ những cái nguýt dài của chị dâu hay ánh mắt khó chịu của mẹ chồng khi câu chuyện đang vui thì tôi lại đứng lên như một sự chống đối. Do đó tối nào tôi cũng phải ngồi nán lại tiếp chuyện một cách nhạt nhẽo với mọi thành viên trong gia đình.

Riêng những ngày giỗ chạp, lễ Tết  thì khỏi cần phải nói. Tôi phải quay như chong chóng trong bếp để làm cơm cỗ cùng với mấy chị em suốt từ đêm 30 cho tới tận mùng 3 tết. Nhà chồng tôi đông khách và anh em họ hàng nên tôi cứ túi bụi suốt ngày, hết nấu rồi ăn hết ăn lại dọn. Cứ thế, sau 3 ngày Tết là tôi nằm bẹp.

Tôi ao ước những ngày chưa lấy chồng, Tết đến tôi được xúng xính quần áo đẹp đi chơi, đi chúc Tết họ hàng nhưng kể từ khi về làm dâu, tôi không biết cái cảm giác đón giao thừa nó ra làm sao, tôi cũng không biết thăm thú bạn bè nó là thế nào nữa.

Còn về chồng tôi, tôi mong được thông cảm chia sẻ của anh nhưng nó là điều xa xỉ. Dường như chồng tôi đã quen thuộc với nếp sống đó từ nhỏ nên anh không hiểu cho nỗi khổ của vợ, mỗi khi thấy tôi kêu ca anh thường bảo: “Anh thấy có vấn đề gì đâu mà sao em cứ suốt ngày kêu ca thế…”. "Quy tắc gia đình nhà anh như thế bao lâu nay, các chị dâu ai cũng răm rắp nghe có ai kêu đâu, mỗi mình em kêu ca phàn nàn". Tôi đành ngậm đắng nuốt cay.

Tết năm vừa rồi, công ty tôi thưởng 1 khoản tiền kha khá, tôi định bụng sẽ rủ chồng con đi du lịch dịp Tết, bởi tranh thủ những ngày nghỉ dài, nhưng vừa mới hé ý tưởng ra đã bị chồng mắng như tát nước vào mặt: Em bị sao thế, Tết nhất người ta quây quần bên người thân thì mình một mình một kiểu. Nhà mình từ trước tới nay chưa bao giờ có tiền lệ đó. Vậy là tôi chưng hửng.

Tuy nhiên có một điều mà tôi cảm thấy oái oăm nhất mà tôi không thể chịu đổi đó là việc: Bố chồng tôi cấm tôi mặc váy đi làm. Khổ nỗi những chiếc váy tôi mặc nào có hở hang hay ngắn cũn cỡn phản cảm gì cho cam. Hồi mới lấy chồng tôi đã hí hửng sắm hàng loạt những chiếc váy công sở lịch sự, nhưng cứ mỗi khi tôi mặc là thấy bố mẹ chồng lườm, nguýt. Ban đầu tôi không hiểu, về sau bố chồng mới gọi tôi ra ngồi thuyết giáo. Ông quan niệm mặc váy là không đứng đắn và ông muốn là con dâu trong nhà là phải theo nề nếp của nhà, tất cả chị em phụ nữ trong nhà không ai được phép mặc váy cả. Ngay cả tôi cũng không ngoại lệ. Vì không muốn làm không khí căng thẳng, cũng không muốn mang tiếng là "mất dạy", cãi lại nhà chồng nên tôi cắn răng chiều theo ý ông nhưng trong lòng rất ức chế.

Nhiều lúc tôi còn cảm thấy muốn phát điên lên khi mà tất cả mọi việc lớn nhỏ gì trong nhà cũng đều phải xin phép ông bà, được ông bà đồng ý rồi mới xin phép đến bố mẹ, cô bác, chú thím. Nếu tất cả mọi người đều đồng thuận thì mới được phép làm. Việc vặt trong nhà đàn bà, con gái làm hết còn đàn ông không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì cả.

Do đó ngay cả việc chọn trường cho con mà tôi cũng không thể tự quyết được. Tôi muốn bé được học một trường quốc tế để được sự chăm sóc giáo dục tốt nhất nhưng ông bà nhất định khăng khăng bắt tôi cho bé đi học ở trường công ngay gần nhà. Nếu tôi làm căng thì ông bà chửi tôi không ra gì. Tôi đành phải nín nhịn. Mặc dù là mẹ nhưng tôi không được quyền chọn trường chọn lớp cho con, tôi cảm thấy ấm ức lắm.

Hôm vừa rồi, mẹ chồng đã vào phòng tôi và thủ thỉ bảo tôi sinh thêm một thằng cu nữa trong năm nay. Bà bảo: "Con Bông nó cũng đã lớn rồi, năm nay lại là năm tốt nên anh chị cố sinh một thằng cu nữa cho vui cửa vui nhà. Tôi còn khỏe tôi còn trông con cho anh chị được, chứ ít nữa tôi già rồi thì tôi kệ đấy".

Tôi thanh minh với bà rằng: công ty con có luật đứa thứ 2 phải cách đứa thứ nhất tối thiểu 3 năm, nếu không con sẽ bị đuổi việc. Bà không những không thông cảm mà còn nói: "Ôi dào, chả có cái công ty nào như thế cả. Chị cứ lí do lí trấu. Chị sợ sinh thêm con thì sẽ xấu, sẽ mất dáng chứ gì. Thôi tùy, tôi muốn tốt cho anh chị thôi". Nói rồi bà vùng vằng đi ra khỏi phòng trước sự ngỡ ngàng của tôi.

Tôi thấy khổ tâm quá, muốn tâm sự với chồng để chồng thấu hiểu nhưng chồng chỉ bảo: mẹ muốn tốt cho vợ chồng mình thôi. Có gì mà em phải căng thẳng. Tôi lại phải lặng im. Cứ thế, cuộc sống của tôi trôi qua với biết bao điều vụn vặt. Sống trong cảnh gò bó mà tôi thấy vô cùng khổ sở. Tôi không có quyền quyết định gì trong cái gia đình bé nhỏ của mình cả. Tôi cảm thấy thật mệt mỏi khi sống trong gia đình như vậy, tôi ước giá như nhà chồng tôi không gia giáo thì có phải tôi bớt khổ hơn không?

S.T

Bài viết cùng loại