Nhịp sống trẻ

Mồ côi tìm chữ

Câu chuyện tìm chữ của những học trò mồ côi ở Đắk Nông. Lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, sớm chật vật với nỗi lo cơm áo, nhưng các em vẫn vượt qua nghịch cảnh chỉ với ước mong được tiếp tục làm bạn với con chữ.
Mồ côi tìm chữ

Cô học trò chăn vịt

Vượt qua đoạn đường dốc lởm chởm đá, chúng tôi đến nhà em Nguyễn Thị Giáng Tiên (lớp 8A2 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đắk R’Lấp, Đắk Nông). Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng vịt kêu cạp cạp... Bà Nguyễn Thị Tuyến (66 tuổi), bà ngoại cũng là người nuôi dạy hai anh em Tiên từ sau ngày ba mẹ mất, chỉ vào đàn vịt nói: “Đây là đàn vịt của Tiên, còn chuồng bồ câu với mấy con thỏ kia do thằng Thọ chăm sóc”.

Anh Thọ lớn hơn Tiên một tuổi, đang học lớp 9 cùng trường với em. Bà ngoại đau ốm liên miên nên công việc trong nhà đều do anh em Thọ làm. Anh em Thọ có 22 con vịt, 6 con thỏ đẻ và 5 cặp bồ câu, mọi chi tiêu của ba bà cháu trông cả vào đó. Để có đồng ra đồng vào thì đến lứa bán vịt thịt bà lại mua vịt con về tiếp tục nuôi xoay vòng, còn thỏ và bồ câu thì gây đàn để dành, khi cần tiền bán một vài cặp. Hằng ngày ngoài giờ học Thọ đi chặt chuối, còn Tiên đi cắt cỏ, lá cây về trộn cám cho vịt, ngan và thỏ ăn.

Cả tuổi thơ lớn lên với đàn vịt, Tiên đã xem chúng như bạn. Nhìn đàn vịt chen chúc rỉa ăn, Tiên hớn hở: “Đàn vịt này ngoan và ham ăn lắm, béo núc ních kìa. Ngoại nói sắp tới đàn vịt lớn sẽ bán lấy tiền nộp tiền học cho hai anh em Tiên, rồi sẽ mua đàn vịt khác để em nuôi”.

Năm Tiên vừa tròn 2 tuổi, trong lúc đi làm về ba mẹ Tiên đã gặp tai nạn rồi đột ngột qua đời. Từ đó hai anh em lớn lên trong sự cưu mang, chăm sóc của bà. Căn nhà ba bà cháu đang ở là nhà tình thương do chính quyền hỗ trợ mới hoàn thành thế cho căn nhà dột nát. Cả đồ dùng trong nhà cũng do bà con lối xóm cho...

Cầm cuốn sổ tay dày cộp, bà Tuyến cho hay hiểu hoàn cảnh của ba bà cháu nên nhiều người cho mua chịu, trả góp, mỗi người mỗi ít phải ghi vô sổ để trả dần kẻo quên. Đã có lần anh em Tiên đòi nghỉ học để đỡ đần nhưng bà một mực không cho. “Tui vất vả thế nào cũng được, chỉ mong cháu được học hành đến nơi đến chốn. Chỉ sợ một ngày tôi nằm xuống rồi thì không biết ai lo cho sắp nhỏ. Tội nghiệp!” - bà Tuyến ngậm ngùi.

Cô Vũ Hoàng Huyền Trinh, giáo viên chủ nhiệm của Tiên, chia sẻ Tiên là học sinh chăm ngoan, hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn năng nổ tham gia tích cực các hoạt động của lớp, của trường...

Cơm với rau rừng vẫn học giỏi

Nhà của K’Jai, học sinh lớp 8B Trường THCS Chu Văn An (Đắk Glong, Đắk Nông) là căn nhà cấp 4 được xây dựng từ chương trình xóa nhà tạm nằm ở giữa bon Ting Wel Đăng. Nơi đó chị em mồ côi nhà K’Jai đang vật lộn với cuộc mưu sinh để đến trường.

Bất hạnh ập đến vào năm 2011, mẹ đột ngột qua đời vì bệnh tim, nỗi đau chưa vơi thì một năm sau bố cũng mất vì căn bệnh viêm gan. Ba chị em K’Jai chơ vơ cùng 6 sào đất trống và món nợ chạy chữa bệnh của ba chưa kịp trả. H’Lai, người chị cả trong nhà, sớm lấy chồng, sinh con nhưng chồng lại mang căn bệnh thoái hóa cột sống không làm được việc nặng, nên việc nuôi hai đứa con chị đã rất chật vật, nói chi đến việc lo cho hai em.

Cuộc sống khó khăn nên K’Biêng, anh trai K’Jai, phải nghỉ học vào rẫy đi làm thuê, hái rau rừng về bán kiếm từng bữa cơm, nhường quyền được đến trường cho em. Còn K’Jai hễ đi học về bỏ cặp xuống không đi làm thuê thì xách giỏ vào rừng hái rau rừng về bán để có tiền mua sách vở... Vào những ngày nghỉ học K’Jai thường lặn lội cả chục cây số đường rừng, đổi lấy vài chục ngàn từ giỏ rau rừng hái được. Bữa cơm của hai anh em K’Jai thường chỉ có rau rừng luộc với muối, bữa cá, bữa thịt đếm trên đầu ngón tay.

Tám năm cắp sách tới trường, K’Jai chưa từng biết đến học thêm. Thậm chí sách vở cũng không đủ bộ vì người cho cuốn này, người cho cuốn kia góp lại mà học. Vậy nhưng năm học nào K’Jai cũng đạt kết quả cao khiến bạn bè, thầy cô ai cũng mến phục. Nhìn hai đứa em lam lũ, H’Lai không khỏi đau lòng nhưng đành bất lực. “Tội nghiệp K’Jai, nó thích học nhưng nhà không có điều kiện để học như chúng bạn. Bữa đói bữa no rồi không biết có đủ sức học không nữa” - H’Lai rưng rưng.

Thân hình bé nhỏ, khuôn mặt đen nhẻm nhưng ánh mắt to tròn của K’Jai ánh lên nghị lực mạnh mẽ. “Có ăn cơm với rau rừng mà vẫn được đi học em cũng vui. Các anh chị đã dành cho em quyền đi học, em sẽ cố gắng học cho tốt để không phụ lòng anh chị” - K’Jai nói.

Theo T.T

Bài viết cùng loại

Xem nhiều nhất

Quảng cáo

    Facebook