Sức khỏe giới tính

Bệnh thường gặp liên quan đến kinh nguyệt

Các trạng thái bệnh lý liên quan đến kinh nguyệt như: nhức nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, tổn thương khớp gối, tiểu đường... là các biểu hiện thường gặp.
Bệnh thường gặp liên quan đến kinh nguyệt

Kinh nguyệt không chỉ là biểu hiện tình hình chung của bộ máy sinh dục mà còn là "thước đo" sức khỏe người phụ nữ Các trạng thái bệnh lý liên quan đến kinh nguyệt như: nhức nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, tổn thương khớp gối, tiểu đường... là các biểu hiện thường gặp. Bài viết dưới đây nhằm giúp chị em kiểm soát và hạn chế các biểu hiện không mong muốn liên quan đến kinh nguyệt.

Nhức nửa đầu: Tỷ lệ phụ nữ bị nhức nửa đầu (migraine) trong 2 ngày đầu hành kinh gấp đôi so với thời gian còn lại của chu kỳ kinh nguyệt. Cũng có khi nhức đầu vào hai ngày trước kỳ kinh, đến thời điểm phóng noãn thì nguy cơ nhức đầu giảm đi. 70% số người bị nhức nửa đầu là phụ nữ, 28% không có triệu chứng báo trước và thường phối hợp nhất với chu kỳ kinh nguyệt nhưng không có gì khác về mức độ đau hay kéo dài so với những nguyên nhân khác ngoài kỳ kinh (ví dụ do uống rượu). Kinh nguyệt là một yếu tố phát động mạnh gây nhức nửa đầu - một bệnh thường thể hiện ngay từ tuổi vị thành niên, có liên quan đến sự dao động của hormon giới tính nữ trong chu kỳ kinh nguyệt, chủ yếu là do sự tụt giảm estrogen (cho nên mới thường đau đầu vào nửa sau của chu kỳ kinh là giai đoạn hoàng thể) và noãn tăng mức độ kích thích. Nhức nửa bên đầu có thể kéo dài từ vài phút đến vài ngày, cảm giác đau giần giật nửa bên đầu kèm theo buồn nôn/nôn, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng động và mùi.

Bệnh thường gặp liên quan đến kinh nguyệt - 1

Rối loạn tiêu hóa: Không phải hiếm gặp trong chu kỳ kinh nguyệt. Có người bị tiêu chảy vào tuần lễ trước hành kinh và bị táo bón trong tuần lễ sau hành kinh. Trước hết nên xem lại chế độ ăn trong những thời gian này (đủ, cân đối, đa dạng). Có người thích hợp với chế độ ăn nhiều rau quả, đậu đỗ, không mặn quá cũng không ngọt quá, tránh rượu, cà phê. Có người ưng ăn làm nhiều bữa nhỏ hơn là 2 - 3 bữa chính. Ăn nhiều loại rau quả khác nhau nhằm cung cấp những chất xơ khác nhau để chống đại tiện không thành khuôn. Những loại xơ tan trong nước (pectin) có trong nhiều loại quả có tác dụng hút nước làm cho phân cứng hơn, những loại xơ không tan trong nước có trong cám của đậu đỗ, hạt làm cho phân mềm ra. Nên ăn nhiều hoa quả trước khi hành kinh rồi bổ sung đậu đỗ vào bữa ăn sáng vào tuần lễ sau hành kinh. Mỗi người nên thử tìm cách ăn và điều chỉnh cho tới khi cảm thấy thích hợp nhất cho 2 tuần trước và sau hành kinh.

Tổn thương khớp gối: Người ta nhận thấy rằng, khi nồng độ estrogen ở mức cao nhất trong chu kỳ kinh thì người phụ nữ lại dễ bị tổn thương khớp gối - đặc biệt là dây chằng trước đùi. Tổn thương loại này chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới gấp 8 lần. Sang chấn khớp gối thường xảy ra vào thời kỳ rụng trứng - thời kỳ có đặc trưng là sự tăng cao estrogen và hormon relaxacin. Có thể estrogen và relaxin đã có tác động sâu sắc đến hệ thống thần kinh - cơ và chức năng cơ giới của các mô mềm như giây chằng và gân.

Sở dĩ phụ nữ dễ bị tổn thương khớp gối vì những đặc tính sinh lý của phụ nữ như: khung chậu rộng tạo ra một sức ép mạnh hơn lên phần trong của khớp gối, sức mạnh của nhóm cơ ở cẳng chân yếu hơn và sức chịu đựng cũng kém hơn.

Bệnh thường gặp liên quan đến kinh nguyệt - 2

 Phụ nữ hay bị đau nửa đầu, đau khớp gối khi đến kỳ kinh.

Đái tháo đường: Phụ nữ bị đái tháo đường khó kiểm soát được đường huyết trong tuần lễ đầu trước kỳ kinh, với mức đường huyết hoặc cao hơn hoặc thấp hơn thường lệ. Vấn đề này xem ra rất phổ biến ở phụ nữ có những triệu chứng tiểu đường kết hợp với hội chứng tiền kinh nguyệt.Nguyên nhân có thể là do hormon estrogen và progesterone làm cho nội mạc tử cung phát triển, dầy lên, chuẩn bị để đón trứng đã thụ tinh. Nếu trứng không được thụ tinh thì buồng trứng ngừng bài tiết hai hormon nói trên và sự sụt giảm đột ngột của hormon đã làm cho nội mạc tử cung bong, đó là kinh nguyệt. Người ta cho rằng ở một số phụ nữ có nồng độ progesteron cao có thể làm cho nồng độ đường (glucoza) thấp hơn bình thường. Chính tình trạng phù nề, giữ nước, dễ cáu kỉnh, trầm cảm, thèm ăn đường và mỡ - đặc trưng của hội chứng tiền kinh nguyệt là nguyên nhân dẫn đến không kiểm soát được mức đường huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc: Để điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt, chị em nên kiên trì một chế độ ăn điều độ càng nhiều bữa càng tốt, hạn chế ăn mặn (muối làm tăng thêm sự phù nề), bỏ rượu, cà phê là những thứ có thể ảnh hưởng không chỉ đến nồng độ đường huyết mà cả trạng thái khí chất của con người. Vận động thường xuyên giúp hạn chế sự thay đổi khí chất và giảm tăng cân. Một chế độ ăn uống, vận động kết hợp với sự chỉ dẫn của thầy thuốc trong những ngày trước hành kinh có thể giúp kiểm soát được đường huyết và hạn chế các bệnh liên quan đến kinh nguyệt.

Theo SKDS

Bài viết cùng loại

Xem nhiều nhất

Quảng cáo

    Facebook